Một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp “hành” doanh nghiệp!
Buổi đối thoại nóng lên bằng câu chuyện của ông Dương Quốc Hùng, đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền, với vướng mắc tại dự án nhà ở xã hội Nam Lý (số 91A phường Phước Bình, quận 9).
Theo đó, công ty bắt đầu đầu tư dự án từ năm 2009, vừa mới được UBND TP chấp thuận đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường đã trình UBND TP giao đất (khu đất xây dựng chung cư có diện tích gần 5000m²). Nhưng sau đó, UBND TP lại ra văn bản yêu cầu thanh tra Công ty cổ phần Địa ốc 10, xong rồi mới được giao đất.
“Gần 9 năm trời đi xin với cả trăm văn bản liên quan, các thủ tục gần như hoàn chỉnh, bây giờ lại phải chờ thanh tra”, ông Hùng than vãn.
Ngay lập tức, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, ngắt lời và hỏi: “Đề nghị anh Hùng nói rõ 9 năm đó là gì?”.
Thế là dự án nói trên được “mổ xẻ”: đất của Thảo Điền là một dự án nhỏ, nhà đầu tư thứ cấp nằm trong dự án Bắc Rạch Chiếc. Chủ đầu tư của toàn bộ dự án làm hạ tầng kỹ thuật là Công ty cổ phần Địa ốc 10. Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường có mặt, giải thích: Dự án Bắc Rạch Chiếc do chủ đầu tư làm hạ tầng kỹ thuật chính, sau đó phân ra các nhà đầu tư thứ cấp và sẽ được TP giao đất trực tiếp. Tuy nhiên, do Công ty cổ phần Địa ốc 10 triển khai rất chậm nên UBND TP giao thanh tra dự án. Đối với Công ty Thảo Điền, các thủ tục về đầu tư dự án đã hoàn tất, sở đã trình TP cho giao đất, nhưng vì nằm trong dự án Bắc Rạch Chiếc của Công ty cổ phần Địa ốc 10 và đang bị thanh tra, nên UBND TP chưa chấp thuận.
Đại diện Công ty cổ phần Him Lam cũng trình bày: Dự án Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng giao cho Công ty Địa ốc 10 đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính, khi hoàn thành sẽ bàn giao lại cho TP, lúc đó TP mới tiến hành giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Vấn đề chính là Công ty Địa ốc 10 không hoàn thành được hạ tầng, kể cả phần giải tỏa kết nối giao thông cũng không thực hiện được. Vì vậy, việc giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp bị tắc nghẽn, Him Lam cũng bị dính một dự án 3ha. Là nhà đầu tư thứ cấp và đền bù giải phóng mặt bằng hoàn tất từ năm 2002, hạ tầng đã làm xong, nhưng đến nay vẫn phải chờ!
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra nguyên nhân nào gây kéo dài thời gian và sẽ công khai minh bạch hướng giải quyết đến các doanh nghiệp.
Kiến nghị tiếp tục cải tiến thủ tục cấp phép xây dựng
Hồ hởi thông báo tại buổi họp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, cho biết tuần tới sẽ hoàn tất giấy phép xây dựng dự án nhà ở xã hội tại phường An Lạc (quận Bình Tân), thuộc diện thí điểm cấp phép xây dựng “3 trong 1”. Việc cấp phép xây dựng theo quy trình mới rất ưu việt, hồ sơ chỉ nộp vào một đầu mối là Sở Xây dựng, doanh nghiệp không phải ôm đi nộp ở khắp các sở ngành, quận huyện và chờ đợi mỏi mòn như trước đây.
Đồng tình với khâu cải tiến cấp giấy phép xây dựng trong thời gian qua, nhưng ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đề nghị cần tiếp tục đổi mới: “Khi xong thủ tục phê duyệt 1/500 thì doanh nghiệp được xin phép khởi công xây dựng phần móng tòa nhà. Tức là ép cọc, thử tải cọc, ép cọc đại trà, đào móng để thi công phần cọc… Công việc này sẽ nhanh hơn khi chúng ta không phải chờ duyệt thiết kế cơ sở, duyệt thiết kế kỹ thuật, rồi mới cấp giấy phép xây dựng. Thực tế tốn thời gian cho giai đoạn này không dưới 6 tháng, đó là chưa kể còn kèm theo một số “giấy phép con” như đánh giá tác động môi trường, nối kết hạ tầng, phòng cháy chữa cháy…”.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu bổ sung, nếu cấp phép xây dựng cho phần móng trước, việc triển khai dự án sẽ nhanh hơn so với thủ tục hiện tại từ 6 - 9 tháng. Ông Trần Trọng Tuấn trả lời, việc chưa áp dụng triển khai cấp phép thi công phần móng là do vướng luật; thực tế đã có vài trường hợp đã xảy ra khi chưa được cấp phép xây dựng nhưng lại ép cọc đại trà, làm tường vây, buộc sở phải xử lý ngưng thi công. Nhận thấy nhu cầu thực tế là có, cũng chính là mong muốn của nhà đầu tư, sở sẽ nghiên cứu, xin ý kiến của Bộ Xây dựng, nếu được chấp thuận thì cũng phải đến năm 2018 mới có thể thực hiện.
Một vấn đề khác được đại diện Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Sài Gòn kể, công trình cấp 1 ở một vài thành phố lớn, trong đó có TPHCM, số lượng rất nhiều. Theo quy định hiện nay, thủ tục thẩm tra thiết kế công trình cấp 1 thuộc Bộ Xây dựng phụ trách. Trong khi, năng lực thẩm tra thiết kế công trình cấp 1 thì tất cả tư vấn địa phương đều có thể làm được, TPHCM nên đề nghị phân cấp thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu về cho địa phương.
“Còn hiện tại, tôi thấy rất bất cập, khi chúng tôi thẩm tra xong thì phải ra Bộ Xây dựng để được phê duyệt lại, thẩm định lại; rồi kiểm tra công tác nghiệm thu từng phần cũng rất nhiêu khê vì mời bộ bay vào, bay ra…, rất tốn kém tài sản xã hội”, ông Hoàng Ngọc Ánh, Công ty cổ phần Kiểm định Sài Gòn, chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, vấn đề phân cấp trong thủ tục bước đầu đã có thay đổi theo hướng tốt hơn. Trước đây, quy định chung cư 20 tầng trở xuống do Sở Xây dựng thẩm định, còn cao hơn là thuộc bộ. Hiệp hội kiến nghị nhiều lần và mới được sửa lại, tăng thêm thẩm quyền của TP, được thẩm định công trình dưới 25 tầng và chiều cao không quá 75m…
Sắp có hướng dẫn cụ thể về bán nhà cho người nước ngoài
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, sắp tới sẽ có hướng dẫn cho người nước ngoài mua nhà tại TPHCM. Theo quy định của Luật Nhà ở và nghị định của Chính phủ thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xác định khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng, trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh sẽ xác định dự án nào được hoặc không được cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài mua nhà ở; tỷ lệ căn hộ - căn nhà trong dự án được bán là bao nhiêu…
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND TPHCM, Sở Xây dựng đã làm việc với các cơ quan chức năng và đã báo cáo UBND TP về vấn đề này, dự kiến sẽ thực hiện trong quý 3-2017.