Vẫn thừa thầy, thiếu thợ

Tưng bừng khuyến mãi
Vẫn thừa thầy, thiếu thợ

Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp 2013

Thời điểm tuyển sinh ĐH-CĐ cận kề cũng là lúc các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tung ra nhiều chiêu khuyến mãi nhằm thu hút thí sinh. Hàng loạt chương trình miễn, giảm học phí, cấp học bổng, liệu có giúp các trường thoát khoải tình trạng tuyển sinh èo uột hơn chục năm qua?

Học sinh tìm hiểu điều kiện tuyển sinh vào các trường trung cấp tại một ngày hội tư vấn tuyển sinh đầu năm 2013.

Học sinh tìm hiểu điều kiện tuyển sinh vào các trường trung cấp tại một ngày hội tư vấn tuyển sinh đầu năm 2013.

Tưng bừng khuyến mãi

Thông báo xét tuyển hệ TCCN chính quy năm 2013 mới đây của Trường Trung cấp Việt Khoa (quận Tân Bình TPHCM) nêu rõ: “Học sinh có hoàn cảnh khó khăn chỉ cần đóng trước 50% học phí là nhập học, miễn phí lớp ôn tập chứng chỉ quốc gia A về tin học và Anh văn. Ngoài ra, sinh viên nhập học sớm trong tháng 7 và tháng 8 sẽ được giảm ngay 10% học phí”.  Đó là chưa kể, học viên còn được nhận hỗ trợ khi nộp hồ sơ dự thi lại tốt nghiệp THPT (hoặc GDTX theo nguyện vọng) và có cơ hội nhận được một phần học bổng toàn phần khi nộp hồ sơ đăng ký. Còn tại Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (quận 5), chương trình giảm học phí được áp dụng khi học viên đăng ký theo nhóm. Nhóm đăng ký từ 3-4 người được giảm ngay 10% học phí, giảm thêm 5% học phí cho nhóm từ 5 người trở lên. Riêng Trường Trung cấp Tin học kinh tế Sài Gòn (quận Bình Thạnh), học viên khi đăng ký được giảm ngay 15% học phí lần đầu. Nếu đóng học phí 2 học kỳ liên tiếp sẽ được giảm từ 5.200.000 đồng còn 4.420.000 đồng. Tương tự, học phí cho 3 học kỳ sau khi đã giảm là 6.630.000 đồng và trọn khóa học 2 năm (4 học kỳ) còn 8.840.000 đồng.

Một hình thức khác, Trường Trung cấp Kinh tế - công nghệ Đông Nam (Bình Dương) dành hơn 100 suất học bổng/năm, mỗi suất trị giá từ 500.000 - 1.500.000 đồng cho học sinh nghèo vượt khó. Trường Trung cấp Phương Đông (quận 12), ưu đãi bằng việc tài trợ toàn bộ học phí tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ năng, nghiệp vụ do Viện Nghiên cứu và quản trị kinh tế IREM tổ chức cho học viên như các khóa đào tạo thư ký văn phòng, kế toán, quản trị kinh doanh, kỹ năng phỏng vấn và xin việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, luật lao động… Ngoài ra, các trường cũng áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn khác như cam kết học phí ổn định trong toàn khóa học, giới thiệu việc làm trái buổi cho học viên, mở lớp học vào buổi tối hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật, học viên chỉ cần đăng ký trực tuyến trên website, không cần đến trường làm hồ sơ đăng ký.

Lấy ngắn nuôi dài

Ưu đãi là thế, song ở nhiều trường, tình hình tuyển sinh vẫn chưa có gì khởi sắc. Một số trường cho biết mới tuyển được 30%-40% chỉ tiêu. Nguyên nhân là do tâm lý chuộng bằng cấp khiến thí sinh vẫn đổ dồn hồ sơ dự thi vào các trường ĐH-CĐ, bất chấp xếp loại học lực 3 năm ở trường phổ thông.  Đó là một thực tế đáng buồn nhiều năm qua của ngành giáo dục. Công tác phân luồng lẽ ra được thực hiện ngay từ đầu năm lớp 9 thì đến tận học kỳ 2, lớp 12 mới được tiến hành, khiến học sinh chưa có cái nhìn đúng đắn về lựa chọn học nghề. Tâm lý số đông vẫn mang định kiến “rớt đại học mới vào trung cấp” gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của những em không đủ sức vượt qua kỳ thi ĐH, trong khi tuyển sinh ở các trường trung cấp năm nào cũng rơi vào thế khó.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, các trường TCCN mở rộng chiêu sinh các khóa đào tạo ngắn hạn để duy trì hoạt động. Trường Trung cấp Đại Việt chiêu sinh lớp đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức xét nghiệm y học cơ bản và khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm vào ngày 18-6, với sự hỗ trợ giảng dạy của giảng viên đến từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Trường Trung cấp Mai Linh mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như bartender (pha chế rượu), thực hành khai báo thuế, nghiệp vụ bàn, nghiệp vụ buồng, autocad, chế tạo ô tô, hàn nâng cao… Dù đây không phải định hướng đào tạo chính của các trường TCCN nhưng trước tình hình tuyển sinh èo uột, các khóa đào ngắn hạn chính là nguồn thu chủ yếu duy trì hoạt động của nhà trường. Qua đó cho thấy các trường TCCN hiện nay vẫn hoạt động trong tình trạng cầm chừng. Thêm vào đó, quy định mới về tuyển sinh liên thông trình độ CĐ, ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành cuối năm 2012 với các điều khoản yêu cầu người muốn dự thi liên thông ĐH phải có bằng tốt nghiệp trung cấp từ 36 tháng trở lên tính từ ngày nhận bằng tốt nghiệp càng khiến thí sinh quay lưng với hệ trung cấp, vốn từ lâu được xem là đường vòng để vào ĐH. Xem ra nếu công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông không được thực hiện một cách bài bản, nhà nước chưa có các chính sách hỗ trợ hoạt động các trường trung cấp thì viễn cảnh “thừa thầy thiếu thợ” sẽ ngày càng trầm trọng, phương thức đào tạo ở những trường này bị biến dạng, xa rời mục tiêu ban đầu mà xã hội giao phó.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục