Về bài thơ Cảm ơn người tặng cam

Về bài thơ Cảm ơn người tặng cam

Trong sách Hồ Chí Minh – Thơ (NXB Văn học, 1970, tr48) và trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (NXB Sự thật, 1984, tr101) có in bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bài Cảm ơn người tặng cam.

Tác phẩm xinh gọn 4 câu, viết theo thể lục bát truyền thống:

Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?


Cuối bài, có ghi thời điểm sáng tác: tháng 1 năm 1946.

Không cần tinh tế lắm cũng thấy nhà thơ Hồ Chí Minh thể hiện một thái độ khiêm tốn, lòng đôn hậu thủy chung và sự tin tưởng vững vàng vào vận nước. Nhiều người cũng biết, người biếu cam Hồ Chủ tịch là nữ thi sĩ Hằng Phương (1908-1983) – ái nữ của nhà văn Sở Cuồng Lê Dư (?-1967) và là bạn đời của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan (1907-1987).

Về bài thơ Cảm ơn người tặng cam ảnh 1

Nữ thi sĩ Hằng Phương.

Câu chuyện tặng cam như thế nào, chắc ít người biết. Trước đây, trong nhiều năm, tôi cũng cứ băn khoăn, muốn hiểu. Cuối năm 1982, nhân được giao viết một phần bộ Từ điển văn học (NXB KHXH-1983) trong đó có 2 mục từ Vũ Ngọc Phan và Hằng Phương, tôi đã xin gặp 2 ông bà để trực tiếp lấy những tư liệu cần thiết.

Bác Hằng Phương hồi đó đã yếu, nên tôi chủ yếu chỉ làm việc với bác Vũ Ngọc Phan. Thực ra chúng tôi gặp tác giả Nhà văn hiện đại nhiều lần, nhưng chỉ trong các cuộc họp. Là 2 thế hệ cách bức, bác lại rất đạo mạo, nên tôi chỉ chào hỏi cho phải lễ. Đến hai buổi làm việc đẫy này, tôi mới có dịp hầu chuyện bác lâu.

Sau khi ghi chép xong những tư liệu cần cho 2 mục từ sẽ viết, tôi tranh thủ “khai thác” nhà nghiên cứu lão thành về vốn hiểu biết rất phong phú của bác: đặc điểm sinh hoạt văn học, báo chí trước năm 1945; những kỷ niệm, nhận xét của bác về các nhà văn mà bác đã có quan hệ để từ đó có những trang viết sâu sắc về họ trong công trình nghiên cứu quy mô, dày dặn của mình. Cũng nhân dịp này tôi hỏi bác những chuyện xoay quanh bài thơ Cảm ơn người tặng cam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Phan đi vào phòng trong, một phút sau mang ra một tập tư liệu dày và gượng nhẹ lấy từ trong đó một tờ báo cũ – tờ Tiếng gọi phụ nữ cơ quan ngôn luận của tổ chức Phụ nữ cứu quốc, số 11, ra ngày 8-1-1946. Nhiều năm qua đi, dù đã giữ rất cẩn thận, nhưng giấy báo cũng đã ố vàng, mép báo sờn rách, nét chữ đã nhạt nhòa. Bác đưa tôi tấm kính lúp và chỗ nào tôi ngờ ngợ, bác lại chỉ cho. (Tôi ngờ bác đã thuộc lòng bài báo quý này). Nguyên văn bài viết như sau:

Thơ của Hồ Chủ tịch trả lời bà Hằng Phương

Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì bà không viết chỗ ở, tôi không biết gửi thư cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ của tôi như sau:

Thơ bà Hằng Phương kính gửi Hồ Chủ tịch:

Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu.
Đắng cay Cụ nếm đã nhiều,
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây.
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam.
Anh hùng mở mặt giang san
Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi


Tháng giêng VNDCCH năm thứ hai (2-1-1946)
Hằng Phương kính bút.
 

Trả lời

Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đáng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai


Hồ Chí Minh

Một chi tiết nhỏ: trong lần in đầu này, câu thứ hai của bài thơ trả lời Hồ Chủ tịch viết “Nhận thì không đáng”. Sau này tác giả sửa lại, nhẹ nghĩa hơn: “không đúng”.

Bác Phan kể thêm: từ đầu năm 1945, trong hoàn cảnh ngặt nghèo chung của đất nước, cuộc sống của gia đình bác cũng không được như trước. Để chia sẻ gánh nặng sinh kế với chồng, nhà thơ Hằng Phương tìm cách xoay xỏa tháo gỡ. Nhân có sự gợi ý của người quen có xe đò chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa, bác mua văn phòng phẩm ở Hà Nội, đi xe của người quen đó, vào tiêu thụ ở Thanh Hóa. Thu nhập chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cũng giải quyết một phần sự lúng túng của gia đình. Việc làm ăn ấy kéo dài cả năm.

Là những trí thức nặng tình dân tộc, cả hai ông bà hồ hởi chào đón Cách mạng tháng Tám, đã có mặt tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 trong đoàn thể văn nghệ sĩ, say mê đón nhận từng lời của bản Tuyên ngôn Độc lập. Cũng như đông đảo trí thức lúc đó, hai ông bà cảm nhận sâu sắc hạnh phúc được làm công dân một nước độc lập. Vì thế tình cảm quý yêu kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sâu nặng là lẽ đương nhiên.

Bác Phan nhận lời làm biên tập viên tạp chí Tiên phong – cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc. Công việc tòa soạn bộn bề, nhưng lương bổng lại rất khiêm tốn, có tháng không lương. Do đó bác Hằng Phương càng nặng gánh gia đình hơn. Nhà thơ của chúng ta lại tiếp tục những chuyến đi con thoi Hà Nội – Thanh Hóa.

Ngày mồng một tháng giêng dương lịch 1946, nhân ra chợ Thanh, bác thấy có những thúng cam vàng tươi đầu mùa. Đây là thứ cam làng Giàng – một loại cam quý, sản lượng không nhiều, quả nhỏ nhưng vỏ mỏng, rất ngọt. Bác nảy ý định mua để biếu Hồ Chủ tịch. Mất nhiều thì giờ bác mới lựa được mười quả ưng ý, cành lá xanh tươi.

Trên xe về Hà Nội, bác nâng niu gói cam trên tay vì sợ đường xấu, xe xóc, cam bị giập chăng. Bác lại băn khoăn: một chục cam nhỏ mọn làm sao nói được tấm lòng quý mến lãnh tụ? Nên chăng, làm thêm mấy câu thơ để kính dâng Hồ Chủ tịch? Bài thơ 8 câu, 56 chữ dần dần được hoàn chỉnh trên chặng đường 160km.

Ba giờ chiều hôm sau (2-1-1946), nữ thi sĩ lên Bắc bộ phủ. Sự việc này được chính tác giả ghi lại trong sổ tay (năm 1987, trong hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan có cho in lại). Xin chép ra đây:

“Ở cổng Bắc bộ phủ có anh vệ quốc rất trẻ đứng gác. Tôi xin phép vào, anh hiền lành gật đầu, không đòi hỏi giấy tờ gì cả. Vào đến phòng khách, tôi đưa gói cam nhỏ và chiếc phong bì trong có bài thơ, và nói với đồng chí tiếp khách:

- Thưa ông, tôi đi xa về, có gói cam kính biếu Hồ Chủ tịch cùng với bài thơ. Chiều nay, sau bữa cơm, nhờ ông đưa giúp lên để Cụ tráng miệng.

Đồng chí tiếp khách liền nói:

- Ấy, Cụ đang ở phòng bên. Cụ sắp sang đây bây giờ. Bà chờ một tí. Được gặp Hồ Chủ tịch là điều tôi vô cùng mong ước, nhưng lúc ấy không hiểu tại sao tự nhiên tôi lại sợ, nếu gặp Người thì biết nói năng ra sao. Thôi, đã có thơ thay lời rồi. Tôi trả lời:

- Thưa ông, thì giờ quý báu của Cụ còn để lo việc nước, tôi đâu dám làm mất thì giờ của Cụ.

Nói xong, tôi chào rồi tất tả bước xuống thềm, ra thẳng cổng; chào anh vệ quốc rồi đi mau ra đường. Trên đường về, tôi lại lo: Mình làm như thế, có điều gì bất kính với Hồ Chủ tịch không? Hay những chuyện nhỏ mọn ấy lại làm mất thì giờ của Người? Tôi lo lắm, không yên tâm, nhưng không dám thổ lộ với ai”.

Nội tình câu chuyện tặng cam và hai bài thơ chân tình, tao nhã nói trên có thể coi là một giai thoại quý của văn chương Việt Nam hiện đại. 

TRẦN HỮU TÁ

Tin cùng chuyên mục