Khám phá cuộc sống

Về Châu Đốc, ở khách sạn... bè cá

Ý tưởng từ những chiếc bè nát
Về Châu Đốc, ở khách sạn... bè cá

Sông Châu Đốc (đoạn chảy qua thị xã Châu Đốc, An Giang) một thời được mệnh danh là “vương quốc” nuôi cá bè. Thế nhưng, thời gian gần đây, nghề nuôi cá bè hết thời, nhiều chủ bè phải giải nghệ. Nhiều bè cá giá tiền tỷ nay chỉ bán xác, bán củi. Một người đàn ông chạnh lòng, nảy ra ý tưởng “hóa kiếp” cho những chiếc bè thành… khách sạn nổi trên sông và khách sạn nổi ngày càng hấp dẫn du khách.

Khách sạn nổi có sảnh để khách ngồi thư giãn, ngắm cảnh. Ảnh: V.T.

Khách sạn nổi có sảnh để khách ngồi thư giãn, ngắm cảnh. Ảnh: V.T.

Ý tưởng từ những chiếc bè nát

Đến sông Châu Đốc (nằm sát thị xã Châu Đốc), du khách sẽ bất ngờ bởi thấy một khách sạn nổi trên sông bề thế có tên gọi bằng tiếng Anh “Delta floating hotel and restaurant” (tạm dịch: Khách sạn và nhà hàng nổi đồng bằng).

Khách sạn nổi được làm từ bè cá khiến cho trí tưởng tượng và sự tò mò của du khách được khơi dậy. Không thích thú sao được khi đang lưu trú trong phòng, thỉnh thoảng, khách cảm nhận rõ được sự bồng bềnh khi toàn bộ khối khách sạn lên xuống, nhấp nhô theo con nước, đợt sóng!

“Cha đẻ” ra khách sạn này tên là Đặng Dũng. Là người con của đất An Giang và mê làm du lịch từ rất lâu, anh Dũng từng tự hào với du khách trong nước và quốc tế rằng quê hương anh có nghề nuôi cá bè truyền thống và nổi tiếng nhất ĐBSCL, tiếng tăm bay xa đến tận trời Âu, Mỹ.

Thế nhưng, mấy năm gần đây, chứng kiến cảnh làng bè tan rã anh Dũng nảy ra ý tưởng mua lại những chiếc bè này để sửa chữa thành khách sạn nổi trên sông. Trước khi bắt tay vào xây dựng khách sạn nổi, anh Dũng đã thăm dò ý kiến của nhiều du khách nước ngoài và gần như 100% ý kiến nói “rất thích” mô hình này vì nó lạ, và thế là anh bắt tay vào thực hiện.

Sản phẩm du lịch độc đáo!

Lúc đầu, xây dựng khách sạn nổi rất khó khăn, vì ở Việt Nam gần như chưa có kiến trúc sư nào thiết kế khách sạn bằng bè cá hoặc khách sạn nổi bằng gỗ có quy mô lớn trên sông. Cái khó của khách sạn nổi là độ nổi của nó. Khi khách  ở đông thì nó chìm xuống, ít khách thì khách sạn nổi lên, nên phải tính toán sao cho đồng bộ mọi hạng mục gắn liền với nó.

Nhờ có chút ít kinh nghiệm khi anh còn ở nước ngoài, anh cùng với thợ mày mò, nghiên cứu áp dụng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kỷ niệm mà anh Dũng còn nhớ mãi đến bây giờ, đó là lúc kéo bè tập kết về vị trí khách sạn ngày nay thì gặp đúng ngày giông bão. Hôm đó, sóng đánh dữ dội, tưởng đâu bè sẽ tiêu tan, nhưng may mắn thay, mọi việc cuối cùng cũng ổn.

Cùng hàng chục người thợ mẫn cán, ngụp lặn cả mấy tháng trời, cuối cùng những chiếc bè cá được kết lại đóng thành một khách sạn nổi hai tầng hoành tráng, độ chìm của bè từ 1,6m đến 2m. Khách sạn nổi có 23 phòng, trong đó có 15 phòng máy lạnh.

Nội thất khách sạn không cần sang trọng mà cốt ấm cúng, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Giường, tủ trong phòng hầu hết là đồ cũ của người dân vùng sông nước nên khách ở cảm thấy mộc mạc, gần gũi. Khách sạn nổi còn có sảnh phơi nắng, hành lang…

Nhiều hướng dẫn viên và du khách, đặc biệt là khách quốc tế, cho biết, nét đặc biệt của khách sạn nổi là thấm đẫm chất thiên nhiên và văn hóa của vùng đồng bằng sông nước. Xây khách sạn xong, anh Dũng tiếp tục mua bè cá về làm nhà hàng nổi cao 2 tầng, chứa đến 250 khách, cạnh khách sạn nổi, phục vụ nhiều món ăn đặc sản, có đờn ca tài tử…

Việt Tấn

Khách sạn nổi còn tổ chức nhiều tour tham quan, ẩm thực trên sông. Chẳng hạn tour Châu Đốc – Tịnh Biên, từ khách sạn nổi, du khách vừa du ngoạn trên sông và sẽ đến chợ cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), mua hàng miễn thuế, ngắm dòng kênh Vĩnh Tế. Hay tuyến Châu Đốc – Châu Phong đưa khách đi xem nghề dệt thổ cẩm, tham quan làng cổ người Chăm, về với rừng tràm Trà Sư, dạo chơi ở nhiều làng quê của Châu Đốc.

Tin cùng chuyên mục