Về cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ - 1945: Những công bố mới

Về cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ - 1945: Những công bố mới

Sau suốt 18 năm gián đoạn, Quảng trường Đỏ lại là nơi diễn ra một cuộc duyệt binh với quy mô hết sức hoành tráng của quân đội Nga nhân dịp kỷ niệm 63 năm lễ chiến thắng phát xít (9-5-1945 – 9-5-2008). Quyết định khôi phục truyền thống từ thời Liên Xô này được đánh giá là rất “hợp lòng dân”. Nhân dịp này, phóng viên tờ Itogi của Nga đã phát hiện được trong kho lưu trữ của điện Kremlin nhiều tài liệu bí mật về cuộc duyệt binh mừng chiến thắng diễn ra tại Quảng trường Đỏ vào ngày 24-6-1945…

Bài diễn văn nguyên bản của Nguyên soái Georgi Giukov

Về cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ - 1945: Những công bố mới ảnh 1

Nguyên soái Giukov (bên phải) cùng với Stalin và đồng nghiệp Budenny trên khán đài trong lễ duyệt binh

Sự kiện cuộc duyệt binh lịch sử ngày 24-6-1945 có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về truyền thống đối với người dân Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Cho tới thời điểm này, người ta vẫn lưu giữ được cả một cuốn phim thời sự tài liệu màu về những chi tiết của lễ hội này.

Các phóng viên đã tìm ra những trang tài liệu hết sức quý giá trong một chiếc cặp, chứa đựng tất cả những thông tin bí mật về việc tổ chức các buổi duyệt binh và bắn pháo hoa kể từ năm 1945 đến đầu những năm 1960. Đầu tiên đó là sơ đồ bố trí các đơn vị khi diễu hành qua Quảng trường Đỏ vào ngày 24-6-2008, được vẽ trên loại giấy vẽ kỹ thuật dày.

Nhưng thú vị nhất là một chiếc phong bì có chứa bài diễn văn nguyên bản của Georgi Giukov. Vị nguyên soái huyền thoại trong lịch sử cuộc chiến vệ quốc vĩ đại này đã cầm tờ giấy trên để đọc bài diễn văn ngay dưới trời mưa, khi đứng trên khán đài của lăng Lê nin.

Theo đúng như những chú thích ghi trong tờ giấy này, Nguyên soái Giukov đã đọc bài diễn văn theo những ghi chú đặc biệt trong đó - cụ thể là phát âm theo ngữ điệu và âm lượng như thế nào cho từng đoạn một để có thể gây được ấn tượng mạnh nhất.

Nội dung bài diễn văn cho thấy, tác giả của nó là một chuyên gia viết diễn văn đặc biệt xuất sắc. Nhân vật này còn ghi chú rất tỉ mỉ bằng nhiều loại bút màu, để giúp “người nhắc vở” có thể nhắc Nguyên soái Giukov rằng đoạn nào “đọc khẽ”, “cảm động hơn”, “to hơn một chút”, hay nơi nào cần đọc với giọng “to và dứt khoát”, “nhỏ hơn, nghiêm hơn”, “hào phóng và trang trọng” và cuối cùng có nơi cần phải “đọc to dần lên”. Chỉ có điều là cho tới giờ, chưa ai có thể xác định được tên tuổi thực sự của tác giả bài diễn văn này.

Những kịch bản bí mật

Quyết định về việc tổ chức các cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ đã được đưa ra lần đầu tiên từ những năm 1930 của thế kỷ trước tại các phiên họp của Bộ Chính trị BCH ĐCS Liên Xô. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ duyệt binh vào năm 1945 khác với các buổi lễ trước đó ở chỗ, nghi lễ này được lên kế hoạch với sơ đồ tỉ mỉ và chi tiết nhất. Quyết định về việc tổ chức duyệt binh được Stalin đưa ra vào ngày 24-5-1945, trong khi kế hoạch cuối cùng mãi đến hai ngày trước khi chính thức diễn ra mới được duyệt (ngày 22-6-1945).

Đồng thời với quyết định này, Bộ Chính trị cũng chấp thuận phương án tổ chức đội ngũ diễu hành của người dân lao động trên Quảng trường Đỏ. Các tài liệu còn cho thấy, thời tiết mưa nhiều vào những ngày này đã làm thay đổi đáng kể đến kế hoạch của cuộc duyệt binh.

Đầu tiên là phải từ bỏ kịch bản bay qua khu quảng trường của 570 chiếc máy bay. Trình tự bay của các máy bay phải do đích thân Nguyên soái Không quân Aleksander Novikov điều hành. Theo đó, chiều dài liên tục của các phi đội máy bay nối đuôi nhau qua Quảng trường Đỏ lên tới 30km. Đáng chú ý là mưa cũng đã khiến cho kế hoạch diễu hành của quần chúng nhân dân lao động bị bãi bỏ.

Một tài liệu trong chiếc cặp trên cũng cho biết về những số liệu rất ấn tượng của một trong những cuộc duyệt binh khác có thời gian dài nhất trong lịch sử Hồng quân Xô viết (suốt 2 tiếng đồng hồ).

Cuộc duyệt binh này đặc biệt có số lượng tham gia lớn nhất của những “chiến sĩ 4 chân”: tổng cộng gồm 2 đơn vị pháo binh do ngựa kéo, 16 đội xe ngựa gắn súng máy, 6 trung đoàn kỵ binh hỗn hợp. Ngoài ra còn có 2 tiểu đoàn chó đặc nhiệm dò mìn của Trường kỹ thuật quân sự về huấn luyện thú. Để dễ dàng so sánh - những chiếc xe tăng T-34 từng đóng vai trò rất quan trọng trong chiến thắng chỉ có tổng cộng 53 chiếc tham gia duyệt binh.

Vài chi tiết về lễ duyệt binh 9-5-2008

Ý tưởng về việc tổ chức duyệt binh nhân kỷ niệm 63 năm ngày lễ chiến thắng đã được đưa ra từ ngày 12-1-2008 trong một cuộc họp của các tướng lĩnh quân khu Moscow. Cuộc duyệt binh có sự tham gia của tổng cộng gần 8.000 quân nhân, kể cả thành phần của các ê kíp lái xe tăng, xe bọc thép và gần 200 phương tiện kỹ thuật quân sự khác.

Người dân Nga đã tận mắt chứng kiến trên Quảng trường Đỏ một loạt những phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại nhất như xe tăng T-90, BMP-3, xe đổ bộ BMD-4, pháo tự hành “Sprut”, lựu pháo “Msta”, hệ thống pháo phản lực bắn theo loạt “Smerch”, các đơn vị tên lửa chiến thuật tự hành “Iscander”, tên lửa phòng không S-300… Tất nhiên, đỉnh điểm của lễ duyệt binh chính là sự xuất hiện của các tổ hợp tên lửa hạt nhân chiến lược “Topol”.

Bầu trời trên Quảng trường Đỏ cũng là nơi xuất hiện của hơn 30 chiếc máy bay hiện đại của không quân như máy bay siêu âm mang tên lửa chiến lược TU-160, máy nay ném bom chiến lược TU-95MC, máy bay ném bom siêu âm tầm xa có cánh thay đổi TU-22M3, loại máy bay vận tải chiến lược lớn nhất thế giới AN-124, máy bay tiếp nhiên liệu IL-78, cũng như các phi đội tiêm kích SU-27 và MIG-29.

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục