Chúng tôi về huyện Giồng Trôm đúng dịp Bến Tre chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 53 năm ngày xứ dừa đứng lên Đồng khởi (17-1-1960 – 17-1-2013). Mảnh đất thiêng này ghi đậm dấu ấn khí thế đấu tranh chính trị sôi nổi, quyết liệt, khôn khéo buộc địch phải nhượng bộ, dấy lên phong trào đồng khởi khắp miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên, mở đường cho sự kiện thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20-12-1960.
Đi trên đất Giồng Trôm mới cảm nhận hết sự đổi thay trên vùng đất anh hùng một thời đạn bom, khói lửa. Đường đi đã khá thuận lợi bởi không còn cảnh lụy phà Rạch Miễu như trước đây, thay vào đó là chiếc cầu kiên cố, cao sừng sững đang mênh mông trong bốn bề gió lộng. Nhiều du khách về thăm Bến Tre đều có chung nhận xét: Đến đây mà không biết đất và người Giồng Trôm quả là một thiếu sót và thiệt thòi lớn bởi vùng đất linh thiêng huyền thoại này đang ẩn chứa biết bao câu chuyện lạ thường.
Con đường từ TP Bến Tre xuôi về huyện Giồng Trôm lồng lộng gió từ biển Ba Tri thổi về. Dòng xe các loại cứ nối đuôi nhau. Hai bên đường bát ngát dừa xanh tạo khoảng xám âm âm lấp loáng ngan ngát mùi dầu dừa từ các cơ sở chế biến. Từng đống vỏ dừa cao lêu nghêu có đến hàng chục mét ngất ngưởng như những chiếc dù khổng lồ xám xịt. Anh bạn đi cùng khá bất ngờ khi bắt gặp những cái tên cầu thật ngộ nghĩnh như: Cá Lóc, Chẹt Sậy...
Chúng tôi đến thắp nhang ở Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định trên khuôn viên rộng 1,5 ha khang trang, uy nghi. Mới đây, tỉnh Bến Tre đã khánh thành bia tưởng niệm người con gái anh hùng miền Nam làm khiếp vía quân thù và phát động cuộc thi viết văn bia để khắc lên bia đá quý. Người dân ở đây cho biết du khách các nơi đến tham quan nhiều nhất là vào các dịp lễ tết. Đây cũng là điểm để các trường tổ chức giáo dục truyền thống quê hương cho học sinh.
Đến Giồng Trôm bây giờ, du khách không thể không đến tham quan khu mộ cổ còn lưu lại nhiều hiện vật điêu khắc, mỹ thuật rất có giá trị của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và nhiều câu chuyện kể rất hào hùng về người anh hùng áo vải này. Còn có khu di tích lịch sử tưởng niệm nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị tọa lạc tại xã Thạnh Phú Đông rất hoành tráng và uy nghiêm mở lòng đón khách gần xa đến tham quan, thưởng lãm những vần thơ yêu nước trở thành bút thép tuyên chiến với quân thù.
Thú vị lắm khi vừa tận mắt ngắm nhìn khung cảnh dịu mát thơ mộng xanh rờn của dừa vừa nghe kể chuyện về vùng đất huyền thoại này. Nào là chuyện bà Ba Định làm nên cuộc Đồng khởi đi vào huyền thoại với đội quân tóc dài năm 1960; trung tướng Đồng Văn Cống làm Mỹ - ngụy khiếp kinh trên chiến trường miền Nam.
Đến Giồng Trôm, chúng tôi còn được hiểu thêm về câu tục ngữ dân gian “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”, hai làng nghề truyền thống này xuất hiện cả trăm năm nay, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Chúng tôi còn được chiêu đãi bữa cơm đặc biệt với ba món ăn đặc sản Giồng Trôm là mắm còng trộn khóm, tép rang dừa và cháo sò.
Giồng Trôm còn là điểm lý tưởng để rất nhiều nhà làm phim, các đoàn nghệ thuật chọn cảnh quay bởi sự hiền hòa, chân chất mang đậm nét thiên nhiên chưa mai một. Không kỳ thú sao được với những con sông rất đẹp và nên thơ uốn khúc dưới những rặng dừa xanh ngan ngát. Không lý tưởng sao được trong không khí man mác, nét uy nghiêm cổ kính của những di tích lịch sử còn là những công trình mới mọc lên sau bao tháng ngày khó khăn gian khổ. Mỗi con người nơi đây thật giản dị, chân chất, thật thà nhưng kể chuyện quê nhà đánh giặc thì giòn như bắp nướng.
Chúng tôi đi trên đất Giồng Trôm hôm nay mà cứ nghe đâu đây rầm rập tiếng hò reo của những ngày Đồng khởi, trong màu xanh thăm thẳm của dừa có đôi mắt của biết bao người mẹ, người chị kiên trung năm xưa khăn rằn quấn cổ, áo bà ba, tóc dài bay trong gió.
Tô Phục Hưng