Về nguồn

Đã thành hẹn, từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, các cánh rừng ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam lại sôi động hẳn lên với những bước chân về nguồn. Và năm nay không khí ấy càng nhộn nhịp vì đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Về nguồn

Đã thành hẹn, từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, các cánh rừng ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam lại sôi động hẳn lên với những bước chân về nguồn. Và năm nay không khí ấy càng nhộn nhịp vì đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một thời oai hùng

Đầu năm 1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN) do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư và sau một thời gian ngắn ở Mã Đà (giáp ranh giữa Đồng Nai với Lâm Đồng), căn cứ được chuyển về vùng rừng già thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và đứng chân ở đây suốt gần 15 năm cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đây là khu rừng nguyên sinh giáp biên giới với nước bạn Campuchia, thuận lợi cho việc tiếp nhận sự chi viện qua đất bạn bằng cả con đường hợp pháp lẫn bí mật và có thể nối thông với Trường Sơn, Nam Tây Nguyên ra hậu phương lớn miền Bắc qua đường Trường Sơn. Đặc biệt, căn cứ chỉ cách trung tâm đầu não của chế độ Sài Gòn khoảng 100km theo đường chim bay nên thuận tiện cho việc chỉ đạo tác chiến.

Từ vùng rừng núi này, rất nhiều quyết sách của Trung ương cục, Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền, Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã ra đời, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam cho đến ngày toàn thắng. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận TƯCMN là Di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. 

Nhà làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thường vụ Trung ương Cục ở căn cứ TƯCMN.

Làm mới khu di tích

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Nguyễn Văn Bôm, Trưởng ban Quản lý Khu di tích TƯCMN cho biết, khu di tích cấp quốc gia này đã được Nhà nước đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp Nhà trưng bày với nhiều hạng mục được làm mới như: Đài tưởng niệm; bổ sung thêm hình ảnh, tư liệu, hiện vật về sự chỉ đạo của lãnh đạo TƯCMN đánh bại các chiến dịch của Mỹ; làm mới sa bàn đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ đánh vào căn cứ năm 1967; nâng cấp vườn hoa, sân vườn… Trong đó, sa bàn được thể hiện sinh động bằng âm thanh, hình ảnh, tiếng nổ nhân tạo để tạo hiệu ứng cho người xem.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Đảng ủy Dân - Chính - Đảng TƯCMN cũng được tổ chức trong Khu di tích TƯCMN với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, trong đó Thành ủy TP HCM ủng hộ 1 tỷ đồng. Công trình là món quà có ý nghĩa và là điểm tham quan cho cán bộ, đảng viên của khối trong mỗi dịp về nguồn để tri ân những cống hiến của thế hệ cha anh đã từng sống chiến đấu, hy sinh anh dũng tại căn cứ Tân Biên.     

Những bước chân về nguồn

Nhớ lại những tháng ngày lịch sử cách đây vừa tròn 40 năm, ông Nguyễn Đình Na - nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn không khỏi bồi hồi nhớ lại thời điểm ông cùng đồng đội rời căn cứ Tân Biên theo đường hành quân của bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn.

Cùng với tâm trạng ấy, chị Phan Thu Nguyệt, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi (thuộc TƯCMN) trong chống Mỹ, xúc động nói: “Những năm gần đây, tụi chị thường tổ chức những chuyến đi về nguồn ở căn cứ Tây Biên và mỗi lần như thế giống như về nhà mình, vì thiêng liêng lắm!”. Ba chị Nguyệt từng là Khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định. Năm 1963, sau khi ông hy sinh thì chị được đón lên căn cứ học từ năm 1965 đến năm 1971 và sau đó được tổ chức vượt Trường Sơn ra Bắc học tiếp. Chính tại ngôi trường đơn sơ giữa rừng ấy, chị và bạn bè đã chứng kiến cảnh đau thương khi ngôi trường bị pháo kích vào ngày 10-5-1971 làm 11 người hy sinh, trong đó có 7 học sinh, 1 giáo viên và 3 nhân viên. Theo kế hoạch, ngày 10-5 tới đây chị cùng bạn bè quay về lại Tân Biên để làm giỗ chung cho những người đã hy sinh năm ấy…

Cũng theo Ban Quản lý Di tích TƯCMN, tháng 4 vừa qua, lượng khách về thăm khu di tích đông hơn mọi năm, có ngày đón tiếp hơn 1.000 khách tham quan.

Những bài ca tập thể của một thời gian khó nhưng hào hùng lại được các đoàn khách về nguồn cất lên giữa rừng xanh và họ như trẻ lại, như được tiếp thêm sức mạnh, sức mạnh đó lại được hun đúc và truyền trao cho thế hệ hôm nay.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục