Về tượng đài Phan Bội Châu ở Huế

Về tượng đài Phan Bội Châu ở Huế

Ở Huế có một công trình điêu khắc lớn về một nhân vật lịch sử mà không một người Việt Nam nào không biết tới, đó là nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867 – 1940). Tượng đúc “Ông già Bến Ngự” do tác giả Lê Thanh Nhơn (1940 – 2002) và 20 sinh viên điêu khắc của Huế thực hiện vào mùa hè năm Huế chưa giải phóng, 1974, được xem là một bộ phận vùng quần thể di sản văn hóa cần được bảo tồn tại Huế dưới sự bảo tồn của UNESCO.

Về tượng đài Phan Bội Châu ở Huế ảnh 1

Tượng cụ Phan Bội Châu vẫn nằm lẩn khuất trong khu vườn nhỏ.

Có thể nói đây là pho tượng lớn nhất ở Huế từ trước tới nay. Tượng bằng đồng, cao 3,5m không tính bệ, chu vi 11m, gồm 12 mảnh ghép lại. Bên phải tượng là phù điêu diễn tả cuộc đấu tranh của dân chúng, mặt bên trái tượng miêu tả ước vọng cảnh sống thanh bình.

Công trình điêu khắc trên mang tính lịch sử in dấu ấn những tháng năm không bao giờ quên của người dân xứ Huế, đó là vào năm 1973. Việc khởi xướng đúc tượng do một số nhân sĩ trí thức yêu nước (họa sĩ Vinh Phối, họa sĩ Phan Đăng Trí, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư Bửu Ý, giáo sư Trần Viết Ngạc…) nhằm duy trì cổ vũ phong trào yêu nước.

Tượng “Ông già Bến Ngự” lẽ ra sau ngày Huế giải phóng phải được giới thiệu, đặt bên bờ sông Hương. Nhưng đáng tiếc cho đến nay pho tượng vẫn phải “tạm cất” vào khuôn viên nhà thờ vị chí sĩ.

Thiết tưởng đã đến lúc Bộ Văn hóa Thông tin và trước hết là chính quyền Thừa Thiên – Huế cần có chủ trương hợp lý. 

HẢI NHƯ (nhà thơ) 

Tin cùng chuyên mục