Vì một Trường Sa tươi đẹp hơn

Quần đảo Trường Sa hôm nay đã khang trang với những ngôi nhà ngói mới, cầu cảng, âu tàu trú bão, trường học, trụ sở UBND thị trấn Trường Sa và các công trình tâm linh khác như Nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Trường Sa… Một Trường Sa vững chãi, hiên ngang giữa biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam, biểu tượng trường tồn cho sức sống mãnh liệt của quân dân huyện đảo, đã ghi dấu thành quả lao động và niềm tự hào của những người lính Công binh Hải quân, những người được ví như những “con ong” cần mẫn trên đảo san hô.
Vì một Trường Sa tươi đẹp hơn

Quần đảo Trường Sa hôm nay đã khang trang với những ngôi nhà ngói mới, cầu cảng, âu tàu trú bão, trường học, trụ sở UBND thị trấn Trường Sa và các công trình tâm linh khác như Nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Trường Sa… Một Trường Sa vững chãi, hiên ngang giữa biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam, biểu tượng trường tồn cho sức sống mãnh liệt của quân dân huyện đảo, đã ghi dấu thành quả lao động và niềm tự hào của những người lính Công binh Hải quân, những người được ví như những “con ong” cần mẫn trên đảo san hô.

Không có việc gì khó...

Ngôi nhà kiên cố đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn (nay là thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được xây dựng vào tháng 6-1976. Theo tư liệu của Hải quân, cuối tháng 4-1976, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 (Vùng 3 Hải quân) với 70 cán bộ, chiến sĩ trẻ hành trình ra Trường Sa.

Cầu tàu ở đảo Trường Sa Lớn do Công binh Hải quân xây dựng.

Cầu tàu ở đảo Trường Sa Lớn do Công binh Hải quân xây dựng.

Tàu Đại Khánh lúc bấy giờ có trọng tải 75 tấn, mang theo đoàn công tác cùng hàng ngàn khối đá, xi măng, sắt thép và vật dụng khác sau 4 ngày lênh đênh trên biển đã đến đảo Trường Sa Lớn. Lên đảo xong, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 dựng trại để có chỗ ăn ở rồi nhanh chóng bắt tay vào xây dựng đảo. Thời gian này là mùa mưa nên anh em tận dụng cả áo, lon sữa bò và sáng kiến đào hố, trát xi măng xung quanh để hứng nước mưa nhằm đảm bảo lượng nước uống sau khi nước ngọt trên tàu cạn. Mỗi bữa ăn chỉ có thịt hộp, nấu nước sôi chan cơm nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn hoàn thành nhiệm vụ…

Giữa biển cả mênh mông, đối diện với cái nắng như thiêu đốt và hơi nước biển mặn, các chiến sĩ công binh cần cù vác từng món vật liệu từ tàu vào bờ. Theo ước tính, mỗi chiến sĩ trung bình vác khoảng 200 hòn đá từ tàu vào đảo. Đá san hô, vỏ sò… có khi cắt cả da thịt làm chảy máu nhưng không ngăn được ý chí của người chiến sĩ.

Xa đất liền, xa nhà, sống và làm việc trong điều kiện thiếu thốn nhưng những người được phân công đi đặt nền tảng cho những công trình ở Trường Sa vẫn vững vàng ý chí, không chùn bước, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hai câu thơ của Bác Hồ “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền” luôn được các cán bộ, chiến sĩ công binh làm phương châm để phấn đấu, noi theo.

Sau gần một tháng thi công (cuối tháng 5-1976), ngôi nhà đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn đã hoàn thành bằng ý chí nỗ lực và quyết tâm cao độ cũng như mồ hôi và cả máu của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Đêm đầu tiên ngủ trong ngôi nhà có kết cấu nửa chìm nửa nổi hình lục giác với các cửa sổ hứng gió 4 phía, có chiến sĩ mừng rơi nước mắt!

Cũng vào thời điểm đó, một ngôi nhà khác ở đảo Song Tử Tây (nay là xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa) cũng được một phân đội khác của Trung đoàn 83 Công binh Hải quân xây xong… Rồi trong những năm sau đó, các chiến sĩ Công binh Hải quân tiếp tục xây dựng các nhà kiên cố cùng các công trình khác trên các đảo nổi, đảo chìm khác như Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn… để có được một Trường Sa như hôm nay.

Những “con ong” vẫn cần mẫn

Tôi may mắn được gặp đại úy Đặng Văn Quân (nay là trợ lý công binh của Đảo Trường Sa Lớn) nguyên Đội trưởng Đội bốc xếp, chuyển tải Trung đoàn Công binh 131 của Hải quân, người từng lấy thân mình cứu xuồng chở vật liệu khỏi bị sóng biển đánh lật úp trong chuyến chuyển tải hàng để xây dựng đảo Thuyền Chài năm 2010. Thuyền an toàn nhưng mép sắt của thuyền va vào ngực trái anh để lại một vết sẹo khá dài. Tôi đề nghị chụp ảnh vết thẹo này, anh Quân từ chối và cười hiền lành: “Có gì đâu, bị trầy xước là chuyện quá đỗi bình thường của lính công binh Hải quân. Có anh em còn bị mất 1, 2 ngón tay nữa đấy!”.

Trung úy Tăng Văn Vương, kỹ sư thuộc Khung xây dựng công trình chiến đấu Trung đoàn 131, tham gia xây dựng các công trình ở quần đảo Trường Sa từ năm 1992, đang ở đảo Trường Sa Lớn, tâm sự: Đối với lính công binh thì an toàn của vật liệu xây dựng, hàng hóa là hàng đầu! Vì vậy, khi tàu chở hàng ra tới đảo, anh em phải tranh thủ vận chuyển hàng vào bờ bất kể ngày hay đêm để tránh trường hợp thời tiết xấu. Trước đây, khi chưa có cần cẩu, anh em phải chuyển từ tàu xuống xuồng máy, vất vả lắm; bây giờ đỡ hơn nhiều nhưng phương tiện vận chuyển chính vẫn là đôi vai và đôi chân. Chính vì vậy, tay chân và vai của anh em công binh đều đầy những vết chai sần và sạm nắng.

Thiếu tá Hoàng Quang Trung, Khung trưởng Khung xây dựng công trình chiến đấu Trung đoàn 131, Công binh Hải quân, nhớ mãi kỷ niệm xây dựng công trình bờ kè đảo Trường Sa Lớn vào năm 2000 và các nhà trên đảo hiện nay. Cứ 10 ngày có một chuyến tàu 1.000 tấn chở vật liệu xây dựng ra đảo, anh em công binh lại vác vào bờ để xây. Ròng rã trong thời gian 4 năm, hàng trăm chiến sĩ công binh đã hoàn thành công trình bờ kè chống sóng biển trên đảo như hôm nay.

Anh cho biết: “Trước đây xây dựng đảo chỉ vào 2 mùa biển lặng (từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12) còn bây giờ xây cả năm. Thi công ở đảo nổi còn đỡ vất vả, ở đảo chìm khó khăn hơn nhiều. Khi gặp sóng to, gió lớn, xuồng tròng trành, chỉ cần sơ suất là người và đá chìm xuống biển”.

Ngoài ra, một phân đội khác của Trung đoàn 131 còn đang xây dựng nhà ở tại đảo Đá Lớn. Bên cạnh đó, lực lượng công binh còn đảm trách nhiệm vụ quan trọng khác là mở thông luồng lạch để tàu cập vào mép đảo ở các đảo chìm lẫn đảo nổi. Khắc phục tình trạng không có phương tiện khoan trong nước, các chiến sĩ đặt bộc phá sát đáy san hô và châm ngòi nổ. Sau đó, anh em lặn xuống đáy dùng tay móc san hô và đá lên để chuyển đi nơi khác, tạo luồng cho tàu, xuồng ra vào đảo dễ dàng hơn... Do nhiều công trình phải xây dựng khẩn trương nên đôi lúc có phân đội công binh sau khi hoàn thành nhiệm vụ không về đất liền theo quy định. Tuy vậy, tư tưởng của các chiến sĩ công binh đều vững vàng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Các chiến sĩ Đinh Tiến Bộ, Đỗ Văn Thức ở tuổi 19 nhưng trông rất rắn rỏi, sạm đen vì nắng gió, đôi bàn tay thô ráp gân guốc với những đôi mắt rất sáng đầy niềm tin. Song song với nhiệm vụ xây dựng công trình, cán bộ, chiến sĩ công binh đều phải trực và sẵn sàng chiến đấu như các lực lượng khác trên đảo.

Hiện nay, việc xây dựng đảo còn có sự tham gia của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tiểu đoàn 1 Công binh thuộc Vùng 4 Hải quân. Tuy nhiên, lực lượng Công binh Hải quân vẫn đóng vai trò chính trong công tác xây dựng, gia cố các bờ kè, xây dựng cầu cảng và hệ thống hầm hào phòng thủ trên đảo. Do đó, trên quần đảo Trường Sa luôn có bóng dáng của những “con ong” cần mẫn ngày đêm góp sức xây dựng thêm nhiều công trình để giúp cho quần đảo này ngày càng khang trang, tươi đẹp hơn.

"Chúng tôi đã xác định nhiệm vụ của người chiến sĩ là phục vụ Tổ quốc nên luôn cố gắng công tác tốt và muốn được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp, phục vụ quân đội lâu dài"

Tâm sự của các chiến sĩ trẻ Đinh Tiến Bộ, Đỗ Văn Thức


NGUYỄN PHÙNG LONG

Tin cùng chuyên mục