Vị quốc vong thân: Nhịp cầu văn hóa hai miền Triều Tiên

Vị quốc vong thân: Nhịp cầu văn hóa hai miền Triều Tiên

Lần đầu tiên, giới văn hóa, truyền thông và nghệ thuật 2 miền Triều Tiên – cụ thể là Đài Truyền hình trung ương CHDCND Triều Tiên và Đài Truyền hình KBS Hàn Quốc – hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình nhiều tập Vị quốc vong thân (nguyên văn tiếng Hàn Sayuksin, tức Tử lục thần hay Six martyred ministers). Phim đang chiếu trên kênh HTV7 mỗi ngày và khán giả hẳn nhận thấy Vị quốc vong thân có sự khác biệt với các “drama” quen thuộc của “làn sóng” phim Hàn...

Kể sử bằng phim

Vị quốc vong thân là câu chuyện về 6 vị trung thần, Seong Sam-mun, Pak Paeng-nyeon, Ha Wi-ji, Yi Gae, Yu Eung-bu, và Yu Seong-won hy sinh trong cuộc tranh giành quyền lực diễn ra thời Joseon thế kỷ 15, dưới triều Vua Danjong (1452-1455) và Vua Sejo (1455-1468).

Vị quốc vong thân: Nhịp cầu văn hóa hai miền Triều Tiên ảnh 1

Nữ diễn viên múa CHDCND Triều Tiên Cho Myong-ae

Theo lịch sử Triều Tiên, Vua Danjong trẻ tuổi bị Sejo, chú ruột, đoạt ngôi. Sejo nổi tiếng là vị vua hung ác, từng sát hại nhiều bậc nho sĩ, học giả. “Tôi trung chỉ thờ một vua”, 6 vị đại thần bàn cách giành lại ngai vàng cho Danjong. Âm mưu bị lộ, 6 vị quan cùng toàn thể gia đình đều bị hành quyết năm 1456, trở thành một trong những vụ án lớn nhất lịch sử Triều Tiên.

Vị quốc vong thân mang bản sắc văn hóa Bắc Hàn, phản ánh cái nhìn của người Bắc Hàn về một sự kiện lịch sử chung. Phim được quay ngoại cảnh tại các địa phương miền Bắc như thủ đô Bình Nhưỡng, cố đô Gaeseong, núi Myohyang và trong phim trường Đài Truyền hình trung ương Triều Tiên.

Nhịp cầu văn hóa

Đạo diễn Chang Yong Bok, 2 tác giả kịch bản Pak In-so và Kim Il-jung đều là người CHDCND Triều Tiên. Hai nhà biên kịch Hàn Quốc là Lee Seung-hui và Park Cheol tham gia chỉnh sửa kịch bản. Dự án làm phim khởi động từ năm 2002 nhưng 5 năm sau mới ra mắt khán giả. Kinh phí phim lên tới 2 tỷ won (2,1triệu USD) do Đài Truyền hình KBS cung cấp, trong đó 2/3 dành cho trang thiết bị kỹ thuật và sản xuất phim. Đây là lần đầu tiên KBS đầu tư làm phim ở CHDCND Triều Tiên và là lần đầu tiên điện ảnh CHDCND Triều Tiên làm phim kỹ thuật số, thu tiếng trực tiếp.

Được công chiếu ở Hàn Quốc từ tháng 8-2007, phát sóng ở CHDCND Triều Tiên chậm hơn một chút, Vị quốc vong thân thu hút sự chú ý đặc biệt.

Khán giả Hàn Quốc có phần “bất ngờ” về trình độ làm phim được đánh giá cao của điện ảnh truyền hình CHDCND Triều Tiên. Họ đặc biệt tán thưởng phần nhạc phim được đảm trách bởi dàn nhạc và dàn hợp xướng CHDCND Triều Tiên với 30 bản nhạc miền Bắc, cũng như âm hưởng chủ đạo và nhạc nền của phim.

Vị quốc vong thân: Nhịp cầu văn hóa hai miền Triều Tiên ảnh 2

Cảnh đẹp ở vùng núi Myohyang

CHDCND Triều Tiên có nhiều phong cảnh thiên nhiên rất đẹp, cùng kho tàng văn hóa, lịch sử phong phú. Thông qua những ngoại cảnh trong phim, khán giả được thăm lại Gaeseong (Kaesong), kinh đô của vương quốc Goryeo (Koryo) xưa với những lâu đài và những ngôi nhà ngói cổ màu xám, nay là Viện Bảo tàng Goryeo.

Núi Myohyang (tiếng Hàn nghĩa là “núi thơm”), cách Bình Nhưỡng 180km, nổi tiếng bởi phong cảnh tuyệt vời, là nơi tọa lạc của khoảng 20 ngôi chùa, trong đó có Chùa Pohyon gần 1.000 tuổi (xây năm 1042) với bộ Kinh Phật gồm 80.000 bản khắc gỗ còn giữ được hầu như nguyên vẹn...

Truyền hình 2 miền Triều Tiên hy vọng có những tác phẩm hợp tác tiếp theo, tạo cây cầu văn hóa nối liền những người dân vốn chung nguồn cội.

NGỌC HÀ

Bộ phim nói lên lòng tận tụy, trung thành của 6 vị thượng thư đối với nhà vua và đất nước, được người đời sau mãi truyền tụng. Phim gồm 24 tập, mỗi tập 70 phút, với sự tham gia của 170 diễn viên CHDCND Triều Tiên, trong đó có nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng Cho Myong-ae vai nhân vật hư cấu Solmae, con gái tướng quân Kim Jong-seo; nam diễn viên Park Sung-wook vai Seong Sam-mun – học giả nổi tiếng, một trong 6 vị trung thần; nữ diễn viên Kim Ryon-hwa vai Jung So-yeon – thiếu nữ đem lòng yêu đại nhân Seong.

Tin cùng chuyên mục