Vì sao đồng EUR bị đắm?

Ngày 19-5, Chính phủ Đức ban hành lệnh cấm đối với một số nghiệp vụ bán khống đối với các loại trái phiếu chính phủ của 16 quốc gia trong khu vực đồng EUR và 10 cổ phiếu của các tập đoàn tài chính lớn trên sàn Frankfurt từ nay đến hết tháng 3-2011.

Ngày 19-5, Chính phủ Đức ban hành lệnh cấm đối với một số nghiệp vụ bán khống đối với các loại trái phiếu chính phủ của 16 quốc gia trong khu vực đồng EUR và 10 cổ phiếu của các tập đoàn tài chính lớn trên sàn Frankfurt từ nay đến hết tháng 3-2011.

Theo giới chức Đức, lệnh cấm này là do lo ngại hoạt động của giới đầu cơ tiền tệ trong bối cảnh hiện nay có thể làm chao đảo thị trường tài chính. Ngay sau đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi các nước trong khu vực đồng EUR hợp tác để hành động khẩn cấp chống lại nạn đầu cơ tiền tệ. Lãnh đạo EU khẳng định chính hoạt động đầu cơ tiền tệ đã đẩy giá đồng EUR xuống thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Trước khi đi đến quyết định cấm bán khống này, hồi tháng 3, Pháp và Đức đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) xem xét việc cấm đầu cơ các công cụ tài chính có nguy cơ rủi ro cao, nhằm ngăn chặn bất kỳ hoạt động “trao đổi nợ tín dụng” nào.

Lệnh cấm ban hành trong bối cảnh có tin Ngân hàng Goldman Sachs và một số công ty đầu tư trên thị trường phố Wall đã thực hiện các giao dịch tài chính với Hy Lạp nhằm giúp nước này che giấu thực trạng tài chính công bấp bênh trước sự điều tra của các nhà điều phối châu Âu.

Các giao dịch này được thực hiện bằng cách cơ cấu lại nợ, thông qua việc mua bán khống trái phiếu Hy Lạp của các tổ chức tài chính, những tổ chức từng kéo sập thị trường nhà ở của Mỹ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng từng cáo buộc hoạt động đầu cơ tài chính là nguyên nhân đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ làm chấn động khu vực đồng EUR.

Tuy nhiên trong lúc này, hầu hết các thông tin tài chính thế giới đều quy rằng nguyên nhân khiến đồng EUR bị “đắm” là do trên thực tế các thị trường vẫn hoài nghi về mức độ thành công của giải pháp ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ lan rộng ra khu vực đồng tiền chung dù Hy Lạp đã nhận đủ 20 tỷ EUR từ EU và IMF trước ngày 19-5, thời điểm Athens phải thanh toán các khoản nợ trái phiếu chính phủ đáo hạn.

Về nguyên tắc, việc giải quyết khủng hoảng nợ Hy Lạp không làm EUR mất giá, mà chủ yếu là do niềm tin trên thị trường giảm sút nghiêm trọng đẩy các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ và tạo cơ hội cho kẻ đầu cơ. Bàn tay của kẻ đầu cơ sẽ đẩy đồng EUR đi xuống tiếp để trục lợi nhờ sự chênh lệch giá với đồng USD. 

Các chuyên gia cho rằng nếu ngăn chặn nạn đầu cơ tiền tệ thì đồng EUR sẽ mạnh trở lại. Các nước trong khu vực có rất nhiều cách để “bảo vệ” đồng EUR. Nếu thật sự đến thời khắc quan trọng cần phải bảo vệ thành quả 10 năm hội nhập của đồng EUR, các biện pháp như thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hoặc đơn phương hạn chế giao dịch đầu cơ của thị trường ngoại tệ, công khai bán tháo đồng USD trên thị trường… đều có thể được cân nhắc.

Mặc dù trong thời gian ngắn sẽ vấp phải những ảnh hưởng bất lợi từ khủng hoảng nợ châu Âu nhưng về lâu dài, đồng EUR hoàn toàn có thể tiếp tục trưởng thành để giữ vững vị trí đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế lớn thứ hai toàn cầu ngoài đồng USD.

Theo Greg Gibbs, chuyên gia ngoại hối tại Royal Bank of Scotland Group Plc tại Sydney nhận định: “Lệnh cấm ở Đức như một hồi chuông nhắc nhở giới chức châu Âu cẩn trọng hơn với những gì có thể xảy ra trong nền kinh tế khu vực sắp tới, điều đã và sẽ tạo thêm căng thẳng, sợ hãi đối với nhà đầu tư”.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục