Chỉ trong nửa đầu của tháng 11-2008, Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương đã có tới 5 lần dự báo không chuẩn xác hoặc không dự báo được về mưa, lụt, bão. Hậu quả là đã để lại thiệt hại rất lớn, dư luận vô cùng bức xúc. Chiều 18-11, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và bà Dương Liên Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương xung quanh những vấn đề mà dư luận đang băn khoăn.
* PV: Vì sao có sự dự báo sai như vừa qua?
* Bà DƯƠNG LIÊN CHÂU: Trên thế giới hiện nay có hàng trăm mô hình khác nhau để dự báo về thời tiết. Tuy nhiên, giữa các mô hình khi chạy lại thường đưa ra kết quả khác nhau do bản chất của từng mô hình khác nhau. Ở nước ta hiện nay chưa tự xây dựng mô hình riêng mà đang chạy các mô hình của Đức, Mỹ… và nhiều nguồn khác mà chúng ta có được hoặc do hợp tác song phương.
Hiện nay, để dự báo thời tiết, chúng tôi luôn cho chạy 3 mô hình. Tuy nhiên, để đưa ra kết quả cuối cùng thì còn phải tham khảo 5-6 mô hình nữa của các trung tâm nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hồng Công (Trung Quốc).
* Ông BÙI VĂN ĐỨC: Khi tham khảo mô hình dự báo toàn cầu, chúng ta phải “cắt” một miếng hình vuông, sau đó mới tính chi tiết cho vùng bên trong, trong đó có khu vực Việt Nam để xử lý. Do vậy, các thông tin và dữ liệu từ mô hình toàn cầu thường không được tốt.
* Nếu các mô hình đều đưa ra kết quả khác nhau thì dựa vào mô hình nào để đưa ra kết quả chính xác nhất?
* Bà DƯƠNG LIÊN CHÂU: Không chỉ đưa ra kết quả khác nhau mà mỗi mô hình thường không dự báo đúng cho mọi trường hợp. Nếu các mô hình luôn đúng thì không cần dự báo viên nữa mà có thể “automatic” đưa ra bản tin. Chỉ có các dự báo viên mới biết trong trường hợp nào thì “tin” theo mô hình nào và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người dự báo.
* Thưa ông, tại sao trận mưa lịch sử gây ngập lụt kinh hoàng ở Hà Nội như vừa qua lại không thể dự báo được?
* Ông BÙI VĂN ĐỨC: Trận mưa vừa rồi là rất hiếm gặp ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc và đặc biệt là vào tháng 11. Không chỉ Việt Nam mà các trung tâm dự báo trong toàn khu vực cũng đều không dự báo được. Trước ngày 30-10, các mô hình chạy đều không có dấu hiệu rằng sẽ có một trận mưa lớn. Trong các mô hình được chạy thì chỉ có một mô hình đã dự báo là sẽ có lượng mưa đến 118mm. Đó là mô hình MM5. Rõ ràng hôm đó, MM5 đã dự báo đúng hơn so với các mô hình mà dự báo viên đã chọn. Thế nhưng mô hình này lại có “thành tích” về dự báo sai và rất “mất uy tín” với các dự báo viên. Chúng tôi đã kiểm điểm và rút ra bài học là nếu một mô hình nào có dấu hiệu khác thường thì không được coi thường.
* Vậy giả sử sau này lại có thêm một trận mưa lớn như ở Hà Nội thì có dự báo được không?
* Ông BÙI VĂN ĐỨC: Tôi không khẳng định là không, song cũng phải nói là rất khó, xác suất lớn là cũng không dự báo được.
* Bà DƯƠNG LIÊN CHÂU: Hiện nay, dự báo định lượng mưa, cụ thể là mưa bao nhiêu milimet, lúc nào, ở đâu… thì cả thế giới vẫn chưa giải quyết được. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra các thuật ngữ mưa, mưa vừa, mưa to để người dân nắm được. Ngay cả thuật ngữ “mưa rất to” thì cũng không xác định được là đến bao nhiêu. Cứ trên 100mm được gọi là mưa rất to!
* Điều mà người dân mong đợi nhất hiện nay là việc dự báo khí tượng thủy văn phải chấm dứt những hiện tượng dự báo sai như thời gian qua…
* Ông BÙI VĂN ĐỨC: Chúng tôi rất muốn dự báo chính xác nhưng khả năng dự báo có hạn. Hiện nay lũ quét, dông tố, lốc thì chúng tôi vẫn bó tay. Bão thì dự báo tiến bộ hơn nhưng mưa định lượng thì lại gần như chưa dự báo được.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi không phấn đấu. Về dự báo mưa, sắp tới chúng tôi sẽ phải thành lập một bộ phận chuyên trách để tích lũy kinh nghiệm nhằm phục vụ cho dự báo thủy văn. Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và cũng mong muốn kêu gọi các nhà khoa học của nước ta tham gia nghiên cứu, vì dự báo mưa định lượng là khó khăn nhất hiện nay.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nâng cấp một loạt các trạm quan trắc, xây dựng thêm một loạt trạm ở khu vực Tây Bắc, Đông Hà (Quảng Trị)… Đồng thời, sau những sai sót vừa qua, từng cá nhân, từng bộ phận nhỏ của chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Trong 2 ngày 20 và 21-11 sắp tới, chúng tôi sẽ đưa việc này ra bàn bạc, mổ xẻ và rút kinh nghiệm tại hội nghị tập huấn về công tác dự báo khí tượng thủy văn.
* Cả 5 lần đều đưa ra dự báo sai gây nhiều thiệt hại nặng nề như vậy, các ông có “chia sẻ” hoặc xin lỗi người dân? |
VĂN PHÚC HẬU
* Thông tin liên quan:
- Bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Lại dự báo sai về bão