Vì sao EU thành lập ESMA?

Thời gian gần đây, giới lãnh đạo EU nhiều lần cáo buộc Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ như Standard and Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch Ratings đã “đổ thêm dầu vào lửa” cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp khiến tình hình ngày càng trầm trọng.

Mới đây nhất, vụ Hãng đánh giá tín dụng Moody’s ngày 15-6 hạ thang điểm đánh giá đối với Hy Lạp từ A3 xuống Ba1. Chỉ số đánh giá Ba1 là mức xếp hạng đối với tình trạng tài chính ở mức báo động và thể hiện mối lo ngại việc Hy Lạp khó có khả năng thanh toán nợ. Đánh giá này có nghĩa một số nhà đầu tư sẽ không còn được phép mua các khoản nợ của Hy Lạp dưới hình thức ủy quyền đầu tư và nếu Athens vay tiền trên thị trường sẽ phải chịu chi phí cao hơn.

Ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, gọi việc đánh giá của Moody’s là vô lý, đặc biệt trong bối cảnh Hy Lạp đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Còn báo chí Hy Lạp gọi đây là một đánh giá phá hoại.

Để thoát khỏi sự lệ thuộc vào các cơ quan đánh giá tín nhiệm của Mỹ, hồi đầu tháng này Ủy ban châu Âu (EC) thông báo việc thành lập một tổ chức mới mang tên Cơ quan Chứng khoán và các thị trường châu Âu (ESMA) nhằm giám sát các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Quyết định thành lập ESMA được thông báo 1 ngày sau khi Công ty Standard & Poor’s của Mỹ hạ thấp giá trị các trái phiếu do chính thành phố Brussels phát hành và sau hàng loạt đánh giá theo hướng tiêu cực về tình hình tín dụng của các nước đang bị chấn động tại miền Nam châu Âu như Hy Lạp hay Tây Ban Nha...

Nhiệm vụ của ESMA là theo dõi việc đăng ký hoạt động của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và giám sát hàng ngày đối với các cơ quan này. ESMA sẽ có quyền đình chỉ hoặc ngừng sử dụng tạm thời xếp hạng tín nhiệm của các cơ quan mình phụ trách nếu các cơ quan này vi phạm quy định của EU. ESMA cũng có quyền đề nghị EC phạt các cơ quan xếp hạng tín nhiệm nếu họ cố ý hoặc vô tình vi phạm quy định của EU.

EU đưa ra kế hoạch về ESMA nhằm thoát khỏi vòng kiềm chế, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc xếp hạng tín dụng và thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực này, đồng thời bù đắp những bất cập trong quy trình xếp hạng tín dụng hiện nay. Ngoài ra, họ còn đề ra những giải pháp về cơ cấu như thành lập cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập của châu Âu, hay can dự tích cực hơn vào các tổ chức xếp hạng tín dụng độc lập chung.

Vấn đề xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá môi trường đầu tư, kinh tế của một quốc gia rất quan trọng đối với sự phát triển và thu hút đầu tư của quốc gia đó. Thế nhưng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và các các tổ chức tài chính của Mỹ đôi khi đã không đánh giá chính xác tình hình thực tế của các quốc gia. Đó là chưa kể các cơ quan này không khách quan khi bị áp lực trước cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới, trong đó có các nước trong khu vực đồng euro. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đôi khi chỉ dựa vào những báo cáo của các bộ, ngành của Mỹ nhưng thường không trung thực hoặc không nắm rõ hết các vấn đề của các nước và thường phán quyết theo cái nhìn của “kẻ bề trên”.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục