“Iran là trái tim còn vũ trụ là thể xác”
Không phải ngẫu nhiên một câu thơ của nhà thơ Iran Nizami viết như thế. Từ thời cổ đại, nền văn minh Ba Tư hàng ngàn năm tuổi đã ảnh hưởng rất lớn đến văn minh thế giới. Và đó cũng là lý do xuất phát quan điểm ai thống trị Iran sẽ thống trị thế giới. Vị trí đắc địa của Iran đã đưa đất nước này vào tầm ngắm của các đế quốc từ cổ chí kim.
Iran đã là nơi sinh sống của con người từ thời tiền sử và những khám phá gần đây bắt đầu cho thấy những dấu tích về các nền văn hóa thời kỳ sớm ở Iran có hàng thế kỷ trước khi những nền văn minh sớm nhất bắt đầu xuất hiện ở gần Lưỡng Hà. Sau cuộc chinh phục Ba Tư của Hồi giáo, nước này trở thành trung tâm thời đại hoàng kim Hồi giáo, đặc biệt ở thế kỷ thứ 9 và thế kỷ thứ 11. Ba Tư cũng dần trở thành nơi tranh giành của các cường quốc thuộc địa như đế quốc Nga và đế chế Anh.
Vị trí đắc địa - ước mơ của nhiều quốc gia
Một quốc gia chỉ cần sở hữu một thềm lục địa có trữ lượng dầu là đã xem như thiên nhiên ưu ái lắm rồi. Thế mà Iran lại nằm giữa vịnh Persia và biển Caspia là hai vùng biển được xem là có trữ lượng dầu cao nhất thế giới. Vì thế, Iran là nước xuất khẩu dầu đứng thứ tư thế giới và thứ hai của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Vị trí của Iran là nỗi khát khao của nhiều quốc gia không có dầu lẫn có dầu như Mỹ. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã dạy cho Mỹ bài học đừng bao giờ lơ là với các nguồn cung cấp vàng đen này.
Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 bắt đầu diễn ra từ ngày 17-10-1973 khi các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Arập xuất khẩu dầu mỏ (gồm các nước Arập trong OPEC cùng với Ai Cập và Syria) quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria (gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây Âu). Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 có quy mô toàn cầu. Lúc đó người dân Mỹ phải tiết kiệm triệt để từng galon xăng. Mỹ hiện đang thống trị Iraq, nhưng nguồn dầu của Iraq chưa đáng với Iran.
Vị trí của Iran còn đắc địa ở chỗ là lối ra ngắn nhất dẫn dầu từ biển Caspia ra đại dương. Trữ lượng dầu ở Caspia rất lớn nhưng việc dẫn dầu từ Caspia ra đại dương rồi đi các thị trường phương Tây khá nhiêu khê vì Caspia là biển kín. Năm 2005, đường ống dẫn dầu trị giá 4 tỷ USD từ Caspia ra Địa Trung Hải gọi là BTC (Baku – Tbilisi - Ceyhan) theo đề xướng của Mỹ đã được khánh thành với sự hài lòng tuyệt đối của Mỹ vì với con đường này, các công ty dầu khí của Mỹ và châu Âu không còn lệ thuộc vào các đường ống dẫn dầu của Nga trong khu vực.
Việc xây dựng đường ống dẫn dầu này từng được xem là một trong những thành công quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm chia rẽ Nga và các nước Trung Á, những nước Cộng hòa Xô Viết cũ. Ngoài ra tuyến đường này còn giúp Mỹ và châu Âu thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu của Trung Đông.
Trước khi xây dựng tuyến BTC, các nhà đầu tư Mỹ đã tranh cãi dữ dội về hiệu quả kinh tế. Còn chính quyền Mỹ cho rằng họ không cần hiệu quả kinh tế, họ cần tầm quan trọng về mặt chính trị của tuyến đường dẫn dầu này. Thế nhưng các nhà đầu tư đã đúng. Con đường này đã không phát huy hiệu quả. Nó phải qua mấy nước như Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt không an toàn vì chạy qua sát biên giới Azerbaijan với Armenia trong khi hai nước này đang tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh nên thường xuyên xảy ra xung đột. Con đường này cũng chạy qua miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi quân nổi dậy người Kurd chống chính phủ thường tiến hành nhiều hoạt động phá hoại các đường ống dẫn dầu. Chưa kể nó còn đi qua những vùng thường hay có động đất.
Cho đến nay tuyến đường này chỉ cung cấp có 1% nhu cầu thế giới. Phần lớn sản lượng dầu từ mỏ Tengiz, nơi Chevron là nhà đầu tư chính, được vận chuyển qua đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (Tổ hợp đường ống Caspia), chạy dọc bờ duyên hải Caspia tới cảng Novorossiysk của Nga tại Biển Đen.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay là tương lai giếng dầu khổng lồ Kashagan, trên biển Caspia với trữ lượng lên tới 10 tỷ thùng. Mặc dù phải mất 5 năm nữa, dầu từ Kashagan mới có thể được đưa lên mặt đất, song các tập đoàn như Exxon Mobil và Conoco Phillips đã có kế hoạch vận chuyển một phần dầu khai thác. Theo các nguồn tin tình báo, trong vòng 5 năm tới, Mỹ phải khuất phục được Iran để sử dụng Iran làm tuyến đường dẫn dầu từ mỏ Kashagan ra đại dương, mà không cần phải đi qua Nga và các nước Trung Á thường bất ổn.
Tại vùng vịnh Persia, các tàu dầu muốn chở dầu ra thị trường thế giới phải đi qua eo biển Hormuz mà một phần bờ của eo này thuộc quyền kiểm soát của Iran. Nếu Iran đóng cửa eo biển này thì 60% trữ lượng dầu thế giới sẽ không thể nào làm giàu cho các tập đoàn dầu khí của phương Tây. Và người dân Mỹ sẽ phải mua dầu với giá 150USD/thùng thay vì chỉ từ 70 - 80USD như hiện nay.
Bên cạnh đó, theo báo Time thì Iran vẫn còn ảnh hưởng khá lớn đối với ngành dầu khí của Iraq. Bởi nhiều công ty dầu khí Iran có cổ phần trong các công ty dầu khí Iraq. Báo này cho biết nếu các công ty dầu khí nước ngoài muốn ký hợp đồng với Iraq thường phải đàm phán trước và nhận được sự đồng ý của Iran.
Xét cho cùng, thiệt hại sẽ rất lớn nếu Mỹ để đất nước này thoát khỏi tầm ngắm của mình.
Mơ nhưng không với tới
Có thể nói vị trí của Iran khiến nhiều đế quốc mong muốn được gây ảnh hưởng đến quốc gia này. Nhưng có phải như Iran “cứng đầu” hơn họ tưởng? Chắc chắn không phải như thế. Mà vấn đề là ở chỗ trong khi muốn gây áp lực buộc Iran khuất phục thì các cường quốc trên thế giới lại không có chính sách toàn cầu nhất quán.
Trước hết là chương trình hạt nhân. Trong khi Mỹ tài trợ cho các đồng minh của Mỹ phát triển vũ khí hạt nhân, điển hình là Israel, thì lại buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình. Cộng đồng quốc tế nhận thấy hai thái độ trái ngược nhau của Mỹ chỉ trong vòng một tháng qua. Trong khi Mỹ vận động Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ áp đặt lệnh cấm vận Iran vì chương trình hạt nhân của nước này thì mới đầu tuần rồi, Mỹ tuyên bố với Israel rằng tuyên bố chung về một Trung Đông phi hạt nhân sẽ không chạm vào được Israel. Vì vậy, một lệnh cấm vận Iran dù có bị áp đặt bởi cơ quan quyền lực nhất của LHQ thì cũng không thể buộc Iran tâm phục khẩu phục.
Thứ hai là với vị trí đó, không một công ty đa quốc gia nào không muốn làm ăn với Iran. Các công ty đa quốc gia của các nước thành viên HĐBA LHQ như Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và thêm nước Đức đều có quan hệ thương mại với Iran. Mới đây một thành viên của HĐBA tưởng chừng như vô can cũng đã nhảy vào là Brazil. Brazil sau khi ký kết các văn bản hợp tác sâu rộng với Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Mỹ quyết liệt.
Khi các tập đoàn này ra tay thì “bức tường lửa” họ còn vượt qua được, huống hồ là cấm vận của HĐBA! Vì vậy Iran cũng không việc gì phải sợ lệnh cấm vận của cơ quan này. Mới đây Iran đã tuyên bố kế hoạch thành lập một sàn giao dịch dầu khí trong tương lai, gọi là Sàn giao dịch dầu Iran và chỉ dùng đồng eur hoặc có thể là đồng tiền khác mà không phải là USD. Điều này cũng khiến Mỹ lo ngại USD sẽ yếu đi trên thị trường thế giới.
Chính phủ Mỹ thừa hiểu hai điều này cho nên cấm vận chỉ mang tính tượng trưng. Họ muốn lật đổ chế độ Iran trong hòa bình, có thể bằng một cuộc cách mạng màu hay hoa gì đó. Năm ngoái, chính quyền Mỹ công khai dùng các trang mạng xã hội để công kích Iran và kêu gọi một bộ phận người dân Iran bất mãn với chính quyền bày tỏ thái độ của mình, gây ra làn sóng bạo động tại Iran.
Hai quốc gia Mỹ và Iran có quan hệ từ thế kỷ 19 nhưng lúc đó Mỹ không để ý đến xứ sở của Nghìn lẻ một đêm vì dầu khí thời bấy giờ không quan trọng. Việc phát hiện và khai thác các mỏ dầu cũng mới được thực hiện trong những năm sau thế chiến thứ hai, khi dầu mỏ trở thành nguồn nhiên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất công nghiệp của thế giới. Sau khi Mỹ nhận thức được tầm quan trọng của Iran, họ đã lập tức thiết lập quan hệ đồng minh thân cận với vua Shah Mohammad Reza Pahlavi. Quan hệ hai nước nồng ấm hơn bao giờ hết dưới triều đại của vị vua này. Cho đến năm 1979, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran, Mỹ bị hất cẳng khỏi nước này và từ đó đến nay, qua nhiều đời tổng thống, Mỹ vẫn nuôi quyết tâm trở lại vùng đất này.
TH.HẰNG – V.KHOA (Tổng hợp)