
Như SGGP đã đưa tin, ngay đầu năm học 2007 – 2008, phụ huynh học sinh (PHHS) Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM bất bình khi được gợi ý đóng tiền mua máy chấm thi trắc nghiệm cho trường. Trong khi trước đó, PHHS đã chấp nhận mức học phí cao gần 30 lần so với mức thông thường để thụ hưởng một mô hình chất lượng giáo dục và PHHS không phải đóng thêm bất khoản nào khác ngoài quy định. Vì sao lại có sự “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế? Ngày 12-9, ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn, cho biết:

Quang cảnh Trường THPT Lê Quý Đôn, nơi mà ngay từ đầu năm phải “gánh” nhiều khoản học phí. Ảnh: D.D.
Trong buổi họp của BCH Hội Cha mẹ HS của trường cuối năm vừa rồi khi 2 môn lý, hóa bắt đầu thi trắc nghiệm, giáo viên (GV) phải chấm thi bằng tay làm tiến độ chấm chậm, HS sốt ruột và PHHS tính mua máy chấm thi trắc nghiệm từ học kỳ 2. Nhưng tôi đề xuất không nên mua vì năm học đã gần hết. Có gì BCH hội sang năm có buổi họp với PHHS. Năm nay cũng họp rất thận trọng, từng bước một và tôi luôn nhắc với PHHS tạo sự đồng thuận cao thì mới làm, không để người khác nghĩ BCH hội là bóng mờ hay là cánh tay nối dài của BGH trường thì không nên. Sự đóng góp của PHHS phải dựa trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thi trắc nghiệm trong nhà trường. Vì không có máy nên GV chấm thi rất vất vả. GV cầm bảng trắc nghiệm phải đục lỗ so chấm, bao nhiêu lớp phải đánh dấu, tổng hợp lại. Công việc so chấm vô hồn và có thể thay thế bằng máy chấm. Thay vì mất thời gian vào đó, GV có thời gian giải đáp cho HS những câu trả lời sai, phân tích cho các em thấy vì sao chọn câu này, loại câu kia.
- Tổng số tiền một HS Lê Quý Đôn đóng đầu năm đã lên đến gần 1,5 triệu đồng, là gánh nặng đối với gia đình đông con, công nhân viên chức. Vì sao trường không xin ngân sách từ khoản cơ sở vật chất (CSVC) được đầu tư hàng năm như một số trường đã làm?
Tôi muốn xin kinh phí để mua nhưng tiền ngân sách đã dùng sửa chữa 15 phòng học, trạm biến điện, sân bãi cho nên ngân sách cấp cho CSVC không còn bao nhiêu, không dám nghĩ đến chuyện mua máy. Các trường khác mua máy chấm thi từ ngân sách có thể là do họ nhịn cái này mới sắm được cái khác.
Ông Ngô Bách Phong, PHHS phản ánh việc vận động mua máy có thể là do Chi hội PHHS của lớp triển khai chưa đúng. Việc mua máy thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch. Mỗi cha mẹ học sinh đóng góp theo khả năng của mình, có gia giảm theo hoàn cảnh. |
- Nhưng thưa ông, 20% trong số tiền 850.000 - 890.000 đồng HS đóng hàng tháng, theo quy định được trích để đầu tư CSVC đã được sử dụng với mục đích nào? Không có khoản nào để trích mua máy sao?
Chị hỏi câu đó rất là chính xác. Nhưng đầu tư cho trang thiết bị như máy lạnh, máy tính, máy projector… trường trả dần từ 2 đến 2 năm rưỡi. Có cái mình đầu tư xong là mình trả liền, có cái mình trả sau. Nếu có tiền là tôi làm liền. PHHS cũng tính kỹ lắm trước khi ngỏ ý giúp đỡ nhà trường. BCH hội có đến 45 người, để được sự đồng thuận chung lưng đâu phải chuyện đơn giản. Vì sao PHHS hỗ trợ trường cao độ theo chủ trương xã hội hóa giáo dục mà mình lại ngăn cản, trong khi mọi chuyện trường làm minh bạch từ đầu đến cuối.
- Một năm ngân sách CSVC của mình được cấp bao nhiêu?
Tùy sự phân bổ, bên Sở GD-ĐT có nắm. Tôi không nhớ rõ con số, chị có thể hỏi để tham khảo. Tiền ngân sách xài hợp lý và đã được kiểm tra kỹ lưỡng, thủ tục làm chặt chẽ. Mình chỉ đề xuất đầu tư…
- Việc mua máy, mua phần mềm sẽ tiến hành như thế nào?
Chọn lựa máy, mua phần mềm do Ban đại diện cha mẹ HS chủ động. Thậm chí hội còn muốn sau khi chấm xong bài là có báo điểm trực tiếp trên website của trường.
- Một số PHHS lo ngại HS không đóng sẽ bị gây áp lực?
Không có chuyện đó. GV chủ nhiệm không hề đề cập đến việc mua máy, không thu, không đứng trước lớp phổ biến, ngoại trừ lớp 10 đã họp PHHS trước năm học nên GV có phát cho HS, còn PHHS lớp 11, 12 nhận thư ngỏ từ BCH hội. PHHS đóng cho ban chấp hành có người đứng ra thu. Nếu GV chủ nhiệm đứng ra nói cũng giống như hình ảnh hiệu trưởng đứng ra thu tiền.
Hồng Liên
Thông tin liên quan:
- Đóng tiền mua... máy chấm thi trắc nghiệm