Tăng tốc tuyển sinh trường nghề

Mùa tuyển sinh của trường nghề đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc. Các trường tiếp tục mở thêm một số ngành học mới hoặc củng cố các ngành có thế mạnh, qua đó thu hút người học, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đa dạng hình thức tuyển sinh

Sau khi có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhiều trường nghề tiếp tục duy trì các phương thức tuyển sinh như những năm trước, điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời mở rộng thêm phương thức xét tuyển để tăng cơ hội cho thí sinh.

O4b.jpg
Thầy và trò khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) trong giờ thực hành

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM), cho biết, năm nay trường tuyển 4.500 chỉ tiêu cho 18 ngành/nghề với 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét học bạ 4 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1, 2 lớp 12), xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Trường sử dụng tổ hợp gồm 3 môn, trong đó Toán là môn bắt buộc, 2 môn còn lại thí sinh chọn trong số các môn Lý, Hóa, ngữ Văn, tiếng Anh, Tin học và Công nghệ. Trong tất cả các tổ hợp, điểm môn Toán đều tính hệ số 2. “Năm nay trường bổ sung phương thức xét tuyển thẳng (15% chỉ tiêu) với một số tiêu chí như: có thư giới thiệu từ cựu sinh viên, giảng viên hoặc học lực giỏi ở lớp 11, 12”, TS Lê Đình Kha thông tin.

Năm nay, Trường Cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng (TPHCM) tuyển 8.600 chỉ tiêu cho 2 bậc cao đẳng và trung cấp, với 49 ngành/nghề, trong đó mở thêm các ngành ngôn ngữ tiếng Trung Quốc, Mộc xây dựng - Trang trí nội thất, Thiết kế thời trang. “Việc mở thêm 3 ngành học mới nói trên phù hợp với xu thế hiện nay. Đây là những ngành mà doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao”, TS Châu Văn Bảo, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Tương tự, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TPHCM) tuyển 885 chỉ tiêu vào 30 ngành đào tạo của hệ cao đẳng và trung cấp; Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM tuyển 3.200 chỉ tiêu, trong đó ở bậc cao đẳng, thí sinh được xét theo học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp từ tất cả các môn trong chương trình phổ thông nhưng bắt buộc có môn Toán; Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM tuyển 1.500 chỉ tiêu, trong đó 70% dành cho phương thức xét học bạ THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, 30% còn lại xét theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Liên kết để đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp

Để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học, các trường nghề đã xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế và thị trường lao động. Chương trình đào tạo với thời lượng 30% lý thuyết và 70% thực hành, có những cập nhật để phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, các trường còn chú trọng lựa chọn doanh nghiệp để đưa người học đi thực tập, thực hành nhằm trang bị kỹ năng phù hợp.

Theo PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, trường đang triển khai tuyển sinh trên các nền tảng kỹ thuật số, song song với việc tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại trường và các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh, thành phố khác. Để thu hút người học nghề, trường có nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, miễn, giảm học phí cho học viên, sinh viên, đặc biệt là các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; sinh viên khuyết tật...

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, để công tác tuyển sinh đạt được kế hoạch đề ra, trước hết, phải đẩy mạnh truyền thông từ sớm trong trường học và xã hội, giúp học sinh trải nghiệm thực tế nghề nghiệp và nhận thức rõ cơ hội việc làm. Tiếp đó, xây dựng hệ thống kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh được trải nghiệm thực tế ngay tại trường phổ thông.

Các em có thể nhận biết được mô hình tốt, yêu những lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình, phù hợp với kinh tế gia đình. Đồng thời các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo, hướng mục tiêu 70% đạt chuẩn quốc gia và quốc tế để tạo niềm tin và thu hút học sinh.

Trong khi đó, TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM, cho biết, nhằm tuyển đủ 4.000 chỉ tiêu cho các hệ đào tạo, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, vấn đề được các trường quan tâm hàng đầu là đảm bảo việc làm cho sinh viên, học viên khi tốt nghiệp. “Trong công tác đào tạo, nhà trường luôn gắn với doanh nghiệp. Hiện chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của khoảng 100 doanh nghiệp, nên nhân lực do trường đào tạo không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn cung ứng cho thị trường nước ngoài”, TS Trần Kim Tuyền nói.

Trong khi đó, để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030, hỗ trợ tìm việc làm tại trong và ngoài sân bay cho gần 48.000 lao động, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật bay, Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đào tạo một số nghề trong lĩnh vực hàng không như: Bảo dưỡng máy bay, Kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay, Vận hành thiết bị hàng không, Nghiệp vụ nhân viên hàng không…

Các chuyên gia dự báo nguồn nhân lực cho rằng, việc các trường mở những ngành học mới là xu hướng tất yếu hiện nay, khi cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn. Điều quan trọng là cần tăng cường quản lý, kiểm định chất lượng đào tạo các ngành nghề mới được mở. Bên cạnh cơ chế, chính sách ưu đãi về học bổng, miễn, giảm học phí, điều cốt lõi để người học tin tưởng chọn học nghề vẫn là đảm bảo việc làm khi tốt nghiệp cho người học đúng như cam kết.

Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (gọi tắt là dự thảo), trong đó sửa đổi quy định về văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể, dự thảo sẽ sửa đổi Điều 12, Điều 34 và khoản 2, 3 Điều 45 của Luật Giáo dục hiện hành theo hướng đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao hiệu trưởng xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình THCS cho người học; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT, bỏ thủ tục cấp bằng tốt nghiệp THPT thực hiện tại sở GD-ĐT.

Theo Bộ GD-ĐT, nội dung sửa đổi nêu trên phù hợp với thực tiễn, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng” phù hợp với thông lệ quốc tế... Việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục