Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 45-80%

Ngày 13-5, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập, để lấy ý kiến đóng góp theo quy định.

Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non
Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non

Theo Bộ GD-ĐT, việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề của ngành giáo dục còn một số bất cập. Tổng thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với tính đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp: giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9-10 giờ/ngày… Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp nhất so với các cấp học khác (hệ số lương khởi điểm 2,1, phụ cấp 35%, tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng), dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao (1.600 giáo viên mầm non bỏ việc từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc).

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp lý và áp dụng chưa thống nhất giữa các địa phương. Trong thực thi chính sách, các địa phương áp dụng mức phụ cấp cũng khác nhau do cách hiểu khác về địa bàn được hưởng (ví dụ, cùng là giáo viên thành phố nhưng có nơi chi trả 35%, nơi 50%). Một số địa phương vẫn chi trả phụ cấp ưu đãi theo mức cũ mặc dù xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và chuyển khu vực.

Mặt khác, nhân viên trường học chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề. Hiện nay, đa số các vị trí nhân viên áp dụng bảng lương của viên chức loại B hoặc A0, là 2 bảng lương thấp nhất trong các bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức…

Do đó, Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi theo nghề. Cụ thể, giáo viên mầm non: tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.

Giáo viên trường dự bị đại học: nâng phụ cấp từ 50% lên 70%, ngang bằng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo công bằng cho các nhiệm vụ tương đồng.

Nhân viên trường học: bổ sung phụ cấp lần đầu tiên, với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ (thư viện, văn thư...), 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung (kế toán, y tế...), và 25% cho chức danh chuyên ngành, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của họ.

Về cơ sở xác định mức phụ cấp, quy định hiện hành (Quyết định 244/2005/QĐ-TTg xác định mức phụ cấp chủ yếu dựa vào cấp học, loại trường và địa bàn công tác (đồng bằng và miền núi/hải đảo/vùng sâu/vùng xa). Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới xác định mức phụ cấp dựa trên nhóm vị trí việc làm (hỗ trợ, chuyên môn dùng chung, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành) kết hợp với cấp học, loại trường, địa bàn công; đồng thời quy định chi tiết hơn về cách tính phụ cấp.

Dự thảo nghị định mới cũng liệt kê rõ các trường hợp không được tính hưởng phụ cấp như thời gian đi công tác, học tập ở nước ngoài hưởng 40% lương, thời gian bị đình chỉ công tác liên tục từ 1 tháng trở lên, thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (trừ ốm đau, thai sản), thời gian nghỉ khác vượt quá quy định

Bộ GD-ĐT kỳ vọng, việc ban hành nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý để các địa phương triển khai chính sách một cách đồng bộ, công bằng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giữ chân nhân sự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giáo dục Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục