Vì sao Quốc hội Mỹ muốn luận tội Tổng thống Bush?

Vì sao Quốc hội Mỹ muốn luận tội Tổng thống Bush?

Mấy ngày qua, Quốc hội và các tổ chức nhân quyền của Mỹ liên tiếp lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nhà Trắng cho phép nghe lén điện thoại và xem trộm thư điện tử của công dân, đồng thời đâm đơn kiện đòi luận tội, thậm chí phế truất đương kim Tổng thống Mỹ G.W.Bush vì ông đã cho phép thực hiện kế hoạch trên.

Vì sao Quốc hội Mỹ muốn luận tội Tổng thống Bush? ảnh 1

Nhà báo J.Risen.

Thượng nghị sĩ A.Specter, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, đề cập đến việc Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành luận tội Tổng thống Bush, nếu cuộc điều tra kết luận ông Bush vi phạm luật pháp khi ra lệnh cho Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) nghe lén các cuộc nói chuyện điện thoại quốc tế và xem trộm thư điện tử của công dân Mỹ.Hiện Ủy ban Tư pháp Thượng viện đang chuẩn bị mở các cuộc điều trần công khai về vấn đề gây tranh cãi này vào đầu tháng 2 tới.

Ông Specter nêu rõ: Nếu các nhà lập pháp tìm được bằng chứng cho thấy Tổng thống Bush phạm luật thì việc luận tội trước Quốc hội sẽ là biện pháp xử lý.

Cùng lúc này, một loạt tổ chức dân quyền của Mỹ gồm trung tâm về các quyền Hiến định (CCR), Liên minh các quyền tự do dân sự của Mỹ (ACLU), Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo v.v... và một số cá nhân đã phát đơn lên tòa án liên bang tại các bang để kiện Tổng thống Bush về việc ra lệnh cho NSA nghe lén các cuộc điện thoại quốc tế và xem trộm thư điện tử của các công dân Mỹ. Đơn kiện của các tổ chức dân sự này khẳng định hành động trên đây của Tổng thống Bush và NSA là vi phạm hiến pháp, đồng thời đòi chấm dứt ngay chương trình theo dõi bí mật này.

  • Phía sau kế hoạch nghe lén bí mật

Chỉ vài tháng sau vụ mạng lưới khủng bố Al Qaeda tấn công nước Mỹ, đánh sập tòa tháp đôi ngày 11-9-2001, ông Bush đã bí mật giao cho Cục An ninh quốc gia khởi động kế hoạch “giám sát và coi lén”. Theo đó, nhân viên điều tra có thể nghe trộm điện thoại quốc tế, xem trộm thư điện tử (email) mà không cần sự đồng ý của tòa án.

Tuy nhiên, từ năm 1978 Mỹ đã đưa ra điều luật “Giám sát tình báo nước ngoài” hạn chế tối đa việc nghe lén trong nước Mỹ và quy định rõ rằng “tất cả mọi hành động nghe lén đều phải được tòa án về giám sát tình báo nước ngoài phê chuẩn và trao quyền thì mới được thực hiện”. Như vậy, cơ quan an ninh quốc gia đã “âm thầm nghe lén điện thoại, xem trộm email” bất chấp tòa án có biết hay không.

Dư luận Mỹ e ngại Nhà Trắng không chỉ dừng lại ở việc nghe lén quốc tế, mà còn nhân đó “nghe lỏm” mọi chuyện “nhỏ to” trong nội bộ. Báo Mỹ Christian Science Monitor cho rằng, không chỉ có Tổng thống Bush mà ngay cả Phó Tổng thống D.Cheney cũng dính líu tới vụ này: “ông ta đứng phía sau (tổng thống) và muốn tăng thêm quyền lực cho chính quyền Bush”. Khi “kế hoạch nghe lén” vỡ lở, chính Cheney đã lớn tiếng hô hào “tăng thêm” quyền lực cho tổng thống.

Hãng CNN đã phát hiện rằng, ông Cheney chẳng chút lúng túng khi bị chất vấn về “nghe lén” và chỉ chú ý vào việc mở rộng quyền lực tổng thống: “Vụ Watergate hồi những năm 1970 đã khiến quyền lực của tổng thống giảm sút rất nhiều, tôi cho rằng, tổng thống cần phải có thêm nhiều quyền lực hơn nữa, nhất là về mặt an ninh quốc nội”. Tờ New York Times dẫn lời một quan chức cao cấp của chính phủ (giấu tên) cho biết, nhân viên nghe lén điện thoại sẽ không thể tránh khỏi “sai lầm” nghe luôn cả các cuộc gọi trong nước. Ngay sau đó, Nhà Trắng đã chỉ trích New York Times đưa tin “bất lợi cho an ninh quốc gia”.

  • Do đâu kế hoạch nghe lén bị tiết lộ?

Trong cuốn sách State of War : The Secret History of the C.I.A. and the Bush Administration (tạm dịch: Tình trạng chiến tranh: Những bí mật của CIA và chính quyền Bush) - nhà báo James Risen thuộc báo New York Times cho biết, từ năm 2004 ông đã nắm được thông tin và bằng chứng từ các nhân viên tình báo về việc Nhà Trắng và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang tiến hành công việc nghe lén trong nước. J.Risen cùng đồng nghiệp là Eric Lichtblau đã mở rộng điều tra, tìm hiểu sâu nội tình và nắm thêm nhiều “thông tin đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, phải mất hơn 1 năm New York Times mới công bố tin chấn động này được. Vì, đích thân ông Bush đã đề nghị chủ bút tờ New York Times không đăng tin về kế hoạch nghe lén điện thoại và xem trộm email của NSA của J.Risen. Lúc đó, J.Risen vì không thuyết phục được chủ bút đăng tin này đã xin nghỉ phép để viết cuốn sách nói trên. Đến ngày 16-12-2005, tờ New York Times đã đăng tải tin tức về vụ việc này, gây chấn động mạnh trên chính trường Hoa Kỳ.

Sự việc còn tiếp diễn với nhiều tình tiết phức tạp Quốc hội Mỹ có khả năng sẽ phái 2 cố vấn luật pháp đặc biệt để phụ trách điều tra về tính hợp pháp của NSA trong việc nghe lén và xem trộm email, đồng thời tra xét xem các hạng mục của kế hoạch đã bị những ai tiết lộ và được tiết lộ đến mức nào.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục