Vì sao UDD chưa đạt mục tiêu?

Cuộc biểu tình của lực lượng áo đỏ thuộc Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc  tài (UDD) đã lắng dịu xuống mà theo như tuyên bố của lãnh đạo UDD là họ đang… dưỡng sức chờ đợt biểu tình mới. So với kế hoạch ước tính 1 triệu người tham dự, nhưng chỉ hơn 100.000 người tham gia biểu tình lần này cho thấy UDD chưa đủ mạnh như lực lượng áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) trong cuộc biểu tình năm 2008 đưa đến việc chấm dứt những ngày cầm quyền của các đảng phái thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cuộc biểu tình của lực lượng áo đỏ thuộc Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc  tài (UDD) đã lắng dịu xuống mà theo như tuyên bố của lãnh đạo UDD là họ đang… dưỡng sức chờ đợt biểu tình mới. So với kế hoạch ước tính 1 triệu người tham dự, nhưng chỉ hơn 100.000 người tham gia biểu tình lần này cho thấy UDD chưa đủ mạnh như lực lượng áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) trong cuộc biểu tình năm 2008 đưa đến việc chấm dứt những ngày cầm quyền của các đảng phái thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Có thể nhận thấy những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại lần này của UDD. Thứ nhất, lực lượng áo đỏ UDD phần lớn là những người nghèo, nông dân chất phác nên ý thức tổ chức của họ không thể sánh bằng lực lượng áo vàng với phần lớn thuộc tầng lớp trí thức và trung lưu. Quân đội Thái Lan cho biết, những người biểu tình rất hiền lành.

Trong khi lực lượng áo đỏ bao vây trụ sở Trung đoàn bộ binh 11 ở Bangkok, nhiều binh sĩ đã dùng phương ngữ miền Đông Bắc Thái Lan để đùa giỡn với họ, thậm chí hát cho họ nghe. Chính điều này đã làm những người biểu tình chùn bước.

Thứ hai, có một điều gì đó còn lấn cấn trong số người biểu tình áo đỏ. Nhiều người tham gia biểu tình cho biết bản thân họ không ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin mà chỉ muốn khôi phục nền dân chủ Thái Lan. Đơn giản chỉ vì họ không muốn trở thành công cụ để ông Thaksin lấy lại số tài sản có nhiều phần hình thành từ tham nhũng, đã bị tòa án tịch biên.

Thứ ba, thất bại của UDD có thể xuất phát từ khâu hoạch định chiến lược, khi họ thiếu những biện pháp hữu hiệu để buộc chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức theo đúng thời hạn do tối hậu thư đưa ra vào 12 giờ trưa 15-3. Do đó, thời hạn này trôi qua một cách yên lặng mà UDD vẫn không có biện pháp nào đủ mạnh để rồi dẫn đến một chiến lược bị đánh giá thấp là chiêu “tưới máu”. Kết quả là nhiều người tham gia biểu tình đã trở về nhà vì không chịu cho lấy máu.

Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định tình hình Thái Lan sẽ bình yên trở lại sau thất bại tạm thời này vì mâu thuẫn cơ bản chưa được giải quyết. Đó là chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng giữa các vùng nông thôn và thành thị.

Hơn nữa, một hiến pháp mới của Thái Lan vẫn chưa thể hình thành đảm bảo có thể tổ chức bầu cử một cách công bằng mà đảng thua cuộc có thể chấp nhận thất bại. Cho dù sắp tới có tổ chức tổng tuyển cử thì bất kỳ áo vàng hay áo đỏ lên cầm quyền cũng sẽ đối phó với làn sóng biểu tình từ phía bên kia.

Bên cạnh đó không thể nhắc đến ảnh hưởng của quân đội và Hoàng gia. Lịch sử Thái Lan cho thấy, một chính phủ cho dù được dân bầu sẽ khó có thể tồn tại nếu không được quân đội và Hoàng gia ủng hộ, nhất là trong bối cảnh Hoàng gia Thái Lan đang trong giai đoạn chuẩn bị để Quốc vương Bhumibol truyền ngôi.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục