Viện Kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo của 2 cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển

Với quan điểm cho rằng, trong phiên tòa sơ thẩm, cơ quan tố tụng đã đánh giá các chứng cứ, tài liệu hồ sơ, áp dụng các tình tiết để giảm nhẹ cho bị cáo Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo.

Sau gần 2 ngày xét hỏi, chiều 28-12, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) Quân sự Trung ương đã nêu quan điểm giải quyết vụ án đối với kháng cáo của 9 bị cáo trong vụ án “bảo kê” cho đường dây buôn lậu từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể, với kháng cáo xin giảm án của cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, đại diện viện kiểm sát cho rằng, quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Minh nói mình mắc bệnh, cùng với đó có nhiều thành tích và được tặng nhiều bằng khen và cung cấp thêm bản thành tích của cha vợ, VKS đánh giá tình tiết này không ảnh hưởng đến việc xem xét xin giảm án. Do đó, thấy không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Minh.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Trước đó, bị cáo Minh bị tòa sơ thẩm xác định nhận hối lộ 6,9 tỷ đồng của Phan Thanh Hữu (trùm buôn lậu xăng dầu, trú tại TPHCM) để bảo kê cho nhóm buôn lậu xăng dầu.

Trong khi đó, cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh cũng bị VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo. Theo kiểm sát viên, khi chở xăng lậu vào Việt Nam đầu năm 2020, Phan Thanh Hữu đã nhờ bị cáo Thanh giúp đỡ. Sau khi nhận 1,8 tỷ đồng từ trùm buôn lậu xăng, bị cáo Thanh đã tham gia bảo kê cho nhóm của Hữu.

Hiện tại, bị cáo Thanh đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có nêu một số thành tích cá nhân, sức khỏe yếu. Tuy nhiên, quá trình điều tra người này đã cung cấp những tài liệu trên và cấp sơ thẩm đã xem xét nên không có cơ sở để chấp nhận đơn kháng cáo.

Trong các bị cáo kháng cáo, ngoài 2 cựu Thiếu tướng trên, cơ quan công tố nhận thấy các bị cáo Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng), Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) và Nguyễn Văn Hùng (cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) cũng không đưa ra được tình tiết mới để làm căn cứ kháng án.

Đối với cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), viện kiểm sát ghi nhận sau phiên sơ thẩm, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án. Đến giai đoạn phúc thẩm, bị cáo này đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ và xin giảm án, nhưng đề nghị xem xét lại tội danh và số tiền đã nhận là 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.

"Bị cáo Nguyễn Thế Anh là người có chức vụ quyền hạn, nên truy tố bị cáo về tội nhận hối lộ là có căn cứ và đúng pháp luật", đại diện VKS đánh giá và cho biết sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo có 2 lần tác động gia đình nộp khắc phục tổng số tiền 5,6 tỷ đồng. Như vậy, đánh giá bị cáo đã thể hiện sự thành khẩn, nên đại diện viện kiểm sát đề nghị cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ mới này cho bị cáo Nguyễn Thế Anh.

Các bị cáo Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải), Lê Văn Phương (cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh) cũng được VKS chấp nhận các tình tiết giảm nhẹ mới tại phiên tòa phúc thẩm.

Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Ngày 15-7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Thế Anh lĩnh tổng mức án chung thân về các tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Các bị cáo còn lại đều bị tuyên án về tội “Nhận hối lộ”. Đối với Phan Thanh Hữu, ngày 8-12, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo 16 năm tù về tội “Buôn lậu”.

Bản án sơ thẩm xác định, năm 2019, Phan Thanh Hữu cùng cựu Đại tá Phùng Danh Thoại và một số người góp gần 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Phan Thanh Hữu biết bị cáo Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ bị cáo này giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng.

Quá trình đó, bị cáo Lê Văn Minh trực tiếp nhận và thông qua vợ, con để nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu.

Đầu năm 2020, Phan Thanh Hữu thông qua Lê Văn Minh để làm quen với cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh. Được bị cáo Thanh đồng ý, từ 3-2020 đến 1-2021, Phan Thanh Hữu đã giao 1,8 tỷ đồng cho con trai là Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Xuân (vợ của cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh).

Tin cùng chuyên mục