(SGGPO).- Ngày 20-11, tại TPHCM, Tập đoàn TÜV SÜD (Đức) và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã ký kết bản ghi nhớ tiếp tục mở rộng hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) TPHCM trong nhiều lĩnh vực.
TÜV SÜD Việt Nam là đơn vị chuyên về thử nghiệm, kiểm định, đánh giá, chứng nhận chất lượng; đã hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam đảm bảo qui trình sản xuất chất lượng, kết nối xuất khẩu từ Việt Nam vào EU, Mỹ trong thời gian qua. Theo ký kết hợp tác mới, TÜV SÜD Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ DN trong ngành điện tử, thiết bị y tế, công nghiệp thực phẩm và nhiều ngành nghề khác.
Việt Nam đang là thị trường các nhà đầu tư Đức hướng đến và Đức cũng là thị trường tiêu thụ hấp dẫn cho DN Việt Nam. Hiện có hơn 500 DN Đức muốn tìm nhà cung cấp dệt may, da giày từ Việt Nam.
Đức đang thực hiện dự án xây dựng “Ngôi nhà Đức” tại TPHCM và hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư sẽ diễn ra khi 2 nước kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao vào năm 2015…
Cùng ngày, tại khách sạn InterContinental Asiana, NurnbergMesse phối hợp cùng Phòng Thương Mại & Công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC), Trung tâm Xúc tiến Thương mại trực thuộc Bộ Công thương đã tổ chức họp báo giới thiệu tiềm năng của hai nước trong việc xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội chợ thương mại toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Thomas Schlitt –Giám đốc Phát triển kinh doanh cho biết, để mở rộng hoạt động của NurnbergMesse ở Châu Á nói chung và Việt nam nói riêng, NurnbergMesse đã ký kết với GIC để làm đại diện tại Việt Nam. Thông qua việc ký kết này ông mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với các hội chợ thương mại toàn cầu không chỉ được diễn ra ở Đức và các nước Châu Âu mà sẽ mở rộng đến trên 100 quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của GIC, việc trao đổi kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Đức trong năm 2013 đạt 7,7 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2012 và có hơn 300 doanh nghiệp FDI của Đức được cấp phép hoạt động tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức đạt 4,7 tỉ USD vào năm 2013 và trong tám tháng đầu năm 2014, con số nay đã lên đến 3,3 tỉ USD. Các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam có mặt tại thị trường Đức là hàng may mặc, giày dép, cà phê và thủy sản.
MỸ HẠNH - G.LINH