Trước đó, Việt Nam cũng áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng ngoại nhập khác như thép, tôn, phân bón… Đây là vấn đề cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh hàng ngoại xâm nhập mạnh vào thị trường nước ta.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết, 4 công ty trong nước là Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Dongwha, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị và Công ty cổ phần Kim Tín MDF đã đệ đơn cũng như cung cấp bằng chứng rõ ràng về việc hàng nhập khẩu bán phá giá, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, có sự gia tăng tương đối về lượng nhập khẩu hàng hóa so với tổng tiêu thụ trong nước. Các đơn vị cũng làm rõ những tác động ép giá của hàng nhập khẩu đang làm suy giảm tốc độ tăng trưởng bán hàng, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, tiền lương, công suất thực tế… của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu còn co nguy cơ đe doạ, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Một số nhà máy nhỏ đã phải thu hẹp sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động.
Các công ty cũng đã chứng minh đủ điều kiện đại diện cho ngành sản xuất trong nước và điều kiện đứng đơn khi sản lượng sản xuất của mình cũng như bên đơn vị nhập khẩu lần lượt đều đạt từ gần 70% và hơn 84% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cho biết Việt Nam tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra thị trường xuất khẩu hết sức rộng lớn nhưng ngược lại, độ mở của thị trường trong nước cũng rất cao. Điều này đã tạo sức ép đáng kể với những doanh nghiệp sản xuất cung ứng chuyên cho thị trường nội địa.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ về Việt Nam tiếp tục tăng đà gia tăng, đạt trên 2,315 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2017. Riêng quý 1-2019, kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng mạnh, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Do vậy, việc xây dựng rào cản và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là rất cấp thiết nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Cần bám sát diễn biến thị trường
Liên quan đến vấn đề này, về phía cơ quan quan điều tra là Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công thương) đã lấy ý kiến chuyên môn của một số đơn vị bộ ngành liên quan, trước khi ban hành quyết định tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, diễn biến thị trường trong thời gian tới sẽ còn rất phức tạp, nhất là kể từ khi xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc. Theo đó, Mỹ quyết định đánh thuế bổ sung vào 200 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm gỗ. Mức thuế nhập khẩu gỗ mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25%, đã ít nhiều tạo nên những cơ hội cho ngành gỗ trong nước. Các đơn hàng và cả đầu tư vào chế biến gỗ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang khối ASEAN, trong đó có Việt Nam. Do đó, đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như các hiệp hội cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường.
Về phía doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động cải thiện năng lực sản xuất và gia tăng khả năng cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước. Cũng theo ông Huỳnh Văn Hạnh, để đáp ứng với xu hướng phát triển mới, các doanh nghiệp gỗ trong nước đang đẩy mạnh đổi mới máy móc công nghệ hiện đại, từng bước cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp. Về nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp đã khai thác thành tựu từ chương trình trồng rừng, đưa cây gỗ rừng trồng vào thị trường chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tạo điều kiện cho người dân trồng rừng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Năng lực sản xuất toàn ngành hiện cũng đã gia tăng liên tục. So sánh tổng thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu khoảng gần 200 tỷ USD, thì Việt Nam chiếm khoảng 6%.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng phần lớn doanh nghiệp trong nước thực hiện đơn hàng của đối tác nên ít chú trọng đến giá trị thương mại. Từ đó, thụ động trong việc phát triển thương hiệu và thị phần tiêu thụ có giá trị thương mại cao. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia cũng không được đầu tư đúng mức. Do vậy, cải thiện những yếu điểm trên cộng với năng lực sản xuất được cải thiện, sản phẩm Việt Nam sẽ sớm có chỗ đứng bền vững hơn, không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường xuất khẩu.