Việt Nam tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

Bộ Công thương vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xúc tiến xuất khẩu và kết nối thị trường cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tham gia hoạt động kết nối này có 850 doanh nghiệp thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Các doanh nghiệp không chỉ mong muốn phát triển thị phần tại Việt Nam, mà quan trọng hơn là tham gia đầu tư để tận dụng những lợi thế thương mại mà Việt Nam đang có. 

Sức hút từ kim ngạch xuất khẩu 

Theo Bộ Công thương, tính đến tháng 11-2019, đã có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tập trung chủ yếu các ngành hàng chủ lực như điện, điện tử, dệt may, da giày, nhựa, máy tính, linh kiện… 

Cá biệt, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%. Cụ thể, mặt hàng điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD, tăng 19,4%. Mặt hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD, tăng 7,8%; giày dép đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 9,8%. 

Hiện tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến tháng 11-2019, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.  

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mặt hàng thủy sản đạt 7,8 tỷ USD, giảm 2,3%; rau quả 3,4 tỷ USD, giảm 2,4%; hạt điều 3 tỷ USD, giảm 3,4%; gạo 2,6 tỷ USD, giảm 8,3%; cà phê 2,5 tỷ USD, giảm 22,2%; hạt tiêu 672 triệu USD, giảm 6,5%. Riêng cao su đạt 2 tỷ USD, tăng 7,6%; trà (chè) đạt 212 triệu USD, tăng 8,2%.
Việt Nam tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp ngoại ảnh 1 Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Về thị trường xuất khẩu 11 tháng năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9%; ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường châu Âu và Trung Quốc tuy vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng so với cùng kỳ năm trước thì giảm, lần lượt đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3% và 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%. 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Liên quan đến vấn đề trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết dù Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng khả năng tận dụng lợi thế từ các hiệp định này tại doanh nghiệp chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp nội lực sản xuất còn yếu, chưa đáp ứng rào cản kỹ thuật mới mà nhiều thị trường trên thế giới đặt ra. 

Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với các đơn vị, địa phương, hiệp hội ngành nghề liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sâu quy định của các FTA. Từ đó có chiến lược đầu tư để tận dụng tốt lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. 

Cơ hội đầu tư

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, đây là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư và khai thác thị trường xuất khẩu cũng như nội địa tại Việt Nam. Đại diện đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, tham dự ngày hội kết nối do Bộ Công thương tổ chức, có các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện tử - điện dân dụng, thiết bị giáo dục, mỹ phẩm và thiết bị làm đẹp, thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn, thực phẩm chăm sóc sức khỏe… Đây là những sản phẩm mà doanh nghiệp Hàn Quốc đã thông hiểu thị trường và định vị phân khúc khách hàng tại thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu. 

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện - điện tử, máy tính và linh kiện thiết bị tại Việt Nam liên tục duy trì mức tăng trưởng trên 20% trong suốt 5 năm qua. Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, mức tăng trưởng trên sẽ tiếp tục duy trì ít nhất trong 10 năm tiếp theo. Còn tại thị trường trong nước, quy mô dân số Việt Nam liên tục tăng nhanh, ước tính chạm mức 130 triệu người trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hơn 60% dân số Việt Nam là dân số trẻ, tiếp cận trang thiết bị điện - điện tử và công nghệ thông tin nhanh, nhiều. Đây là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này. 

Khác với đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, đoàn doanh nghiệp Indonesia lại chọn các sản phẩm chất lượng cao như thực phẩm đóng gói sẵn, dược phẩm không kê đơn, đặc biệt là dòng mỹ phẩm chăm sóc da mang tinh túy từ nguyên liệu thiên nhiên phong phú của đất nước Indonesia, để tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển thị trường tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Indonesia cho rằng nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và làm đẹp của người Việt Nam rất cao. Trong khi thị trường cung ứng mỹ phẩm nội địa chỉ mới đáp ứng 5% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, đầu tư phân khúc này sẽ giúp doanh nghiệp Indonesia có thể tiến sâu tại thị trường Việt Nam. 

Có thể thấy, khi đánh giá về tiềm năng thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp luôn khẳng định sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển mở rộng thị trường. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Việt Nam cộng với nhiều lợi thế từ môi trường đầu tư như tình hình chính trị ổn định, lao động tay nghề cao, tỷ lệ nguồn nguyên liệu cung ứng nội địa tăng nhanh. Đặc biệt, sự đa dạng trong nguồn nguyên liệu sản phẩm nông thủy hải sản… đã tạo ra những lợi thế nhất định, thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam trong thời gian tới, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Tin cùng chuyên mục