Từ những thông tin liên tiếp về quá trình cổ phần hóa Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG) trên Báo SGGP, theo những tài liệu hiện có, chúng tôi tiếp tục phát hiện phiên đấu giá cuối cùng với phần vốn cuối cùng của Nhà nước tại CTCPDLTG vào ngày 10-3-2009, góp phần đưa đại gia đình Hoàng Kiều lên nắm giữ gần 100% cổ phần của CTCPDLTG, là sai luật.
Theo những thông tin chúng tôi đã nêu trong các số báo trước, số cổ phần gia đình Hoàng Kiều nắm giữ là 96,53%, trong đó ông Hoàng Kiều nắm giữ 32,53%, ông Hoàng Sammy Hùng (con Hoàng Kiều) nắm giữ 30% và Đào Thị Lan Phương (vợ Hoàng Kiều) nắm giữ 34%. Việc mua cổ phiếu của gia đình này trúng đấu giá vào đợt đấu giá thứ 3 và thứ 4 với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo những thông tin chúng tôi nhận được từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM, thời điểm trước ngày 10-3-2009, cả Hoàng Kiều lẫn Hoàng Sammy Hùng (con Hoàng Kiều) đều mang quốc tịch Mỹ, nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu do Hoa Kỳ cấp và mục đích nhập cảnh VN đều là “thương mại” (thời điểm tháng 1, 2, 4, 6 năm 2006 là thời điểm diễn ra phiên đấu giá thứ ba và Hoàng Kiều đã mua được hơn 30% cổ phần; Hoàng Sammy Hùng thời điểm tháng 5-2008, sau đó tháng 4-2009 là thời điểm phiên đấu giá cuối cùng diễn ra, trong đó Hoàng Sammy Hùng đã mua được 30% cổ phần cuối cùng của Nhà nước còn lại). Như vậy, thời điểm phiên đấu giá cuối cùng diễn ra (tháng 3-2009) cả hai cha con Hoàng Kiều đều mang quốc tịch Mỹ và trong bản tin của Công ty Chứng khoán An Bình cũng nêu rõ: “Hoàng Sammy Hùng, thuộc nhóm cá nhân nước ngoài”. Theo các chuyên gia chứng khoán, điều này không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngày 13-5, trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho biết: “Thời điểm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán phần sở hữu của Nhà nước ra bên ngoài mà không khống chế tỷ lệ phần trăm nhà đầu tư nước ngoài mua được là sai quy định khi căn cứ vào các văn bản quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần đại chúng. Vì, thời điểm này, CTCPDLTG đã có hơn 30% cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ mua còn lại lẽ ra phải khống chế ở mức 15%. Tuy nhiên, SCIC lại bán tiếp cho một nhà đầu tư nước ngoài khác 30%”. Ông cho rằng: “Với những bất thường của phiên đấu giá ngày 10-3-2009 thì phải hủy bỏ kết quả và đấu giá lại. Đồng thời các cơ quan chức năng nên xem xét những hành vi vi phạm của những đơn vị tổ chức đấu giá”. Ngoài ra, nhiều chuyên gia tài chính khác khi được hỏi cũng cho rằng việc tất cả người tham gia đấu giá cùng bỏ giá bằng giá khởi điểm để một người bỏ cao hơn trúng là điều bất thường, cần phải xem xét lại toàn bộ sự việc.
L. THIỆN – H. HIỆP
- Tin, bài liên quan: Đằng sau cuộc thi hoa hậu bất thành ở Tiền Giang |
Kiểm tra việc cho Công ty CP Du lịch Tiền Giang thuê đất |