
Sylvie Germain (sinh năm 1954) được giới thiệu là một trong những nhà văn nữ quan trọng ở Pháp hiện nay. Bà học ngành Triết và đậu bằng tiến sĩ. Dạy học một thời gian ngắn ở một trường đại học, sau đó vì đam mê viết tiểu thuyết và thành công ngay từ quyển tiểu thuyết đầu tay “Quyển sách đêm” với 6 giải thưởng văn học vào năm 1985 bà đã chuyển hẳn sang viết văn.
Mới đây, Sylvie Germain đã có buổi tọa đàm giao lưu với độc giả tại IDECAF và ký tặng sách tại nhà sách Nam Phong trên đường Ngô Đức Kế, quận 1.

Nhà văn Pháp, Sylvie Germain trong buổi tọa đàm cùng độc giả tại IDECAF.
Tác phẩm “Những ngày nổi giận” phần nào đã thể hiện cách nghĩ, cách viết của bà về hình ảnh của con người khi đối diện với một sức mạnh vô hình hoặc hữu hình. Con người gây ra cái ác, cái xấu nhưng tất nhiên, khám phá cái thiện ở một con người cũng là điều thật thú vị.
Người viết văn luôn bị ám ảnh, luôn chuẩn bị một cuộc phiêu lưu và đối thoại với các nhân vật cho đến lúc nhân vật độc lập hẳn với người viết. Lúc đó, nhân vật sẽ có tiếng nói và suy nghĩ riêng, không phải do sự áp đặt của tác giả…
Triết học có ảnh hưởng trong văn chương của bà không? Sylvie Germain quan niệm triết học là triết học, văn chương là văn chương. Chẳng hạn, ở Pháp người ta vẫn nghĩ Voltaire, Jean Paul Sartre là triết gia; hay nghĩ về nhà văn nữ, người ta sẽ nhắc đến Marguerite Duras, Marguerite Yourcenaar hơn là Simon de Beauvoir.
Khi sáng tác tiểu thuyết, Sylvie Germain không có ý mang tư tưởng vào tác phẩm như một kiểu luận đề. Nhưng, nếu âm hưởng của tính triết học phảng phất trong tác phẩm thì cũng là những điều đã được bình thường.
Về nền văn học đương đại Pháp, Sylvie Germain cho biết, có rất nhiều xu hướng khác nhau, đôi lúc bà có cảm giác mỗi người là một trường phái riêng, không giống như các thời kỳ văn học trước đây.
Trả lời câu hỏi: Ấn tượng của nhà văn khi đến Việt Nam? Sylvie Germain cho biết: “Tôi đến Việt Nam vì có những điều thôi thúc muốn tìm hiểu về quá khứ lịch sử cũng như cuộc sống hiện tại của Việt Nam. Đất nước các bạn đã tạo một ấn tượng đẹp trong tôi".
KIM ỬNG