Sau một thời gian lâm trọng bệnh, GS-TS-NSND Tạ Bôn đã từ trần vào lúc 21 giờ ngày 19-4-2024, tại tư gia, hưởng thọ 83 tuổi. GS-NSND Tạ Bôn ra đi đã để lại bao tiếc thương cho gia đình, người thân, đồng nghiệp, các thế hệ học trò và khán giả yêu quý ông.
NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO) chia sẻ: “Đối với tôi, GS-NSND Tạ Bôn là một người anh lớn trong công việc. Tôi rất quý trọng anh vì anh là tấm gương lao động nghệ thuật nghiêm túc, luôn hết sức hết lòng. Tôi ấn tượng và nhớ nhất về anh là lần cùng anh trình diễn rất thành công tác phẩm Concerto de l’Adieu của nhạc sĩ người Pháp Georges Delerue, trích từ bộ phim Điện Biên Phủ, trong đêm nhạc Vinh quang Điện Biên diễn tại Nhà hát thành phố. Anh là người nghệ sĩ rất hiền lành, thường hay chia sẻ về nghề, về đời, rất yêu thương anh em”.
Còn đối với NSƯT Tăng Thành Nam, NSND Tạ Bôn vừa là người thầy, đồng nghiệp và như là người thân trong gia đình. Anh bộc bạch: “Tôi nhớ mãi thời gian mới đi học nước ngoài về, chán nản nhiều chuyện, muốn buông xuôi, bỏ nghề, thì chú đã đến tận nhà động viên như một người chú thân thương, giúp tôi có thêm niềm tin, động lực bám trụ nghề, cùng anh em xây dựng Dàn nhạc giao hưởng HBSO ngày càng vững mạnh. Nay, chú ra đi là nỗi tiếc thương của rất nhiều đồng nghiệp hoạt động nghệ thuật âm nhạc hàn lâm từ Bắc vào Nam!”.
GS-NSND Tạ Bôn sinh năm 1942 tại Thường Tín, Hà Tây. Cha ông là nhạc sĩ Tạ Phước, hiệu trưởng đầu tiên (1956-1973) của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông bắt đầu học violon với cha từ khi mới 5 tuổi, sau đó được đào tạo tại những nhạc viện uy tín trên thế giới như Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc) và Nhạc viện Tchaikovsky (Nga).
Ông được xem là thế hệ nghệ sĩ violin chuyên nghiệp đầu tiên, góp phần đưa âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng Việt Nam. Ông đã được mời làm giám khảo các cuộc thi quốc tế P.I.Tchaikovsky (Nga, năm 1978, 1982, 1986), là khách mời danh dự cuộc thi quốc tế J.S.Bach (Đức, năm 1980, 1984). Từ năm 1994 đến năm 2006, ông là Trưởng đoàn Giao hưởng HBSO và từ năm 2007 đến khi mất, ông là cố vấn nghệ thuật của nhà hát.
Với nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển nền âm nhạc Việt Nam, ông nhận học hàm Giáo sư vào ngày 18-9-1991 và là Giáo sư violon đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 29-8-2001, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Trong niềm tiếc thương và kính trọng đó, trưa 22-4, tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, các nghệ sĩ dàn dây của Dàn nhạc giao hưởng HBSO đã có màn diễn hòa tấu thật xúc động bản nhạc Adagio dành cho dàn dây của nhạc sĩ Samuel Barber trước linh cữu GS-NSND Tạ Bôn, người thầy, người anh, người đồng nghiệp đáng kính, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và của ngành violon Việt Nam.