Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà

Vinh dự và thách thức

Vinh dự và thách thức

Như báo SGGP đã đưa tin, mới đây, quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải – Hải Phòng) đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 3 của Việt Nam. Trước đây, Cát Bà vốn được biết đến nhiều với tư cách là một khu đảo du lịch đầy hấp dẫn. Còn giờ đây, Cát Bà có những vấn đề cần phải được tính đến ngay, bên cạnh việc phát triển du lịch như trước đây.

  • Nơi duy nhất ở Việt Nam có voọc đầu trắng
Vinh dự và thách thức ảnh 1
Khách du lịch nước ngoài tham quan Vườn quốc gia Cát Bà.

Sự kiện này thực sự vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Cát Bà trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất giàu tiềm năng du lịch này. Khác với Cần Giờ (TPHCM) là vùng rừng ngập mặn cửa sông, Cát Tiên (thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng) là vùng rừng trên cạn, thì khu dự trữ sinh quyển Cát Bà hội tụ cả vùng rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong, cỏ biển và đặc biệt là hệ thống các hang động.

Tổng diện tích đất tự nhiên khu dự trữ sinh quyển Cát Bà 26.200 ha, trong đó được phân chia thành 3 vùng chính là: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Như vậy khu dự trữ sinh quyển

Cát Bà thỏa mãn các điều kiện chức năng như: diện tích đủ lớn; không gian phân bố các hệ sinh thái có ranh giới tự nhiên và ranh giới hành chính rõ ràng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp có nhiều tiềm năng phát triển mang tính bền vững.

Với 366 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần thể vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ cùng các yếu tố rừng, biển, khí hậu, hệ sinh thái đa dạng phong phú về chủng loài quý hiếm còn tồn tại ở đây, quần đảo Cát Bà có nhiều bãi tắm nhỏ cát trắng, nước trong nằm xen kẽ các hòn đảo. Hiện tại ở quần đảo Cát Bà có trên 2.320 loài động thực vật đang sinh sống, trong đó 60 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh vật biển có các loại rong, rạn san hô, nhiều loại cá, cùng các nguồn gien quý hiếm...

Hệ sinh thái rừng có khu vườn kim giao tự nhiên khoảng 150 ha, rừng nguyên sinh, khu ao ếch, đặc biệt còn gần 50 con voọc đầu trắng, loài động vật quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới tồn tại duy nhất ở khu vực này. Kể từ năm 2000, Tổ chức nghiên cứu khu hệ động vật, thực vật quốc tế (FFI) đã đầu tư nhiều kinh phí và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho việc bảo vệ động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Vườn Quốc gia Cát Bà, trong đó có dự án xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng bộ đàm giai đoạn 1 với tổng kinh phí là 70.000 USD.

TS Rosi Stenke - Giám đốc dự án bảo vệ voọc đầu trắng Vườn quốc gia Cát Bà cho biết: “Loài voọc ở Cát Bà còn lại rất ít, chúng sống cô lập với nhau trên 7 quần thể tách biệt. Vì vậy tỷ lệ sinh trưởng của chúng rất thấp. Chúng tôi đang tìm mọi giải pháp để chúng tiếp cận được với nhau, từ đó có thể kết hợp bầy đàn làm tăng tỷ lệ sinh của loài linh trưởng quý hiếm này”.

  • Thách thức đối với sự phát triển du lịch
Vinh dự và thách thức ảnh 2

Một góc đảo Cát Bà.

Với tiềm năng thiên nhiên to lớn, những năm gần đây vùng đảo Cát Bà có bước phát triển mạnh mẽ về du lịch - dịch vụ. Mỗi năm có khoảng 400.000 lượt khách du lịch đến Cát Bà, trong đó trên 30% là khách du lịch nước ngoài. Và con số đó đang ngày càng tăng lên khá nhanh. Hàng trăm khách sạn, nhà hàng được xây dựng ồ ạt nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Lợi ích kinh tế đem lại từ ngành “công nghiệp không khói” này thực sự đã làm thay đổi bộ mặt Cát Bà từng ngày.

Tuy nhiên, mặt trái của việc khai thác, phát triển du lịch là sự ô nhiễm môi trường và nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái do việc xây dựng các công trình hạ tầng và sự tác động của con người vào hệ thống động thực vật ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó ý thức người dân chưa cao dẫn đến việc khai thác gỗ quý và săn bắt trái phép vẫn diễn ra, làm mất dần những loài quý hiếm. Tại vùng đệm thì khai thác thủy sản theo phương pháp đánh mìn, đánh điện làm nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Việc tiếp tục phát triển nuôi cá lồng bè, cũng là nguy cơ gây ô nhiễm về mặt nước tự nhiên của cả vùng đảo.

Ông Trần Quang Nhật, Bí thư Huyện ủy Cát Hải khẳng định: “Huyện Cát Hải sẽ cùng với thành phố Hải Phòng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm khắc những vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, phát động phong trào bảo vệ môi trường. Phải xem đây như một cuộc “cách mạng”, tác động đến từng người dân, từng gia đình, để ai ai cũng đều có ý thức trách nhiệm với khu dự trữ sinh quyển đã được thế giới công nhận”.

Khi Cát Bà hội tụ đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, xã hội để trở thành khu du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước thì việc phát triển kinh tế du lịch ở vùng đảo này gần như là điều tất yếu. Nhưng phát triển du lịch theo hướng nào và quy mô ra sao thì đó thực sự là bài toán rất cần sớm có lời giải. Bởi lẽ, nếu không cẩn trọng trong phát triển du lịch, thì hệ thống động thực vật và môi trường ở Cát Bà sẽ bị tàn phá, thậm chí là cạn kiệt, dẫn đến tuyệt chủng. Rõ ràng, với việc được thế giới công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, vùng đảo Cát Bà đang thực sự đứng trước những thách thức không nhỏ trong định hướng phát triển lâu dài của mình. 

THANH HÀO
 

Tin cùng chuyên mục