Vở cải lương Cõng mẹ đi chơi - thấm đẫm tình mẫu tử

Vở cải lương Cõng mẹ đi chơi - thấm đẫm tình mẫu tử

Kịch bản Cõng mẹ đi chơi của tác giả Quốc Bảo từng được dàn dựng và biểu diễn rất thành công ở Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ - một vở diễn đã lấy nước mắt nhiều khán giả, thông qua câu chuyện về giá trị đạo đức của con người trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Để một kịch bản hay đến được rộng rãi với công chúng, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã đầu tư dàn dựng Cõng mẹ đi chơi (Hùng Dũng chuyển thể), phục vụ đông đảo khán giả mộ điệu sân khấu cải lương.

Nguồn gốc của mọi nỗi đau bắt đầu từ câu chuyện tình yêu ngang trái giữa bà Châu (NSƯT Thoại Miêu) và ông Phương (NS Khánh Tuấn) thời trai trẻ. Bà Châu bị phụ tình, một mình ngậm đắng nuốt cay, cố gắng bươn chải cuộc sống, sinh con và nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa con nhỏ nên người.

Phúc, con trai của bà Châu, tuy sống trong cảnh nghèo khó của gia đình nhưng lại rất hạnh phúc vì tình cảm vô bờ bến của mẹ và dì Út dành cho cậu. Tuy nhiên, khi Phúc yêu Nguyệt (Nguyễn Thị Luận), anh bị mẹ Nguyệt ngăn cản quyết liệt vì quá nghèo. Trước tình cảnh này, thương đứa cháu trai đêm ngày buồn thương vì trắc trở tình cảm, dì Út đã cất công tìm kiếm ông Phương - người cha giàu có của Phúc đang ở Sài Gòn, với tâm ý giúp cha con đoàn tụ, Phúc thoát nghèo, có thể được sống hạnh phúc trọn vẹn với cô gái anh yêu.

Một cảnh trong vở cải lương Cõng mẹ đi chơi.

Thế nhưng, việc nhận lại cha con đã gây nên bao oan trái: Phúc thay đổi tính tình, tham sang phụ khó, quay lưng với tình yêu của Nguyệt dù biết cô đã có cốt nhục với anh và trở thành công cụ giúp ông Phương thực hiện những toan tính bất nhân. Ông Phương nhẫn tâm bỏ rơi Vũ (Tô Tấn Loan) - người con với vợ sau, bị thiểu năng. Mẹ Vũ dù rất thương con nhưng vì sợ ông Phương nên chấp nhận chia cắt tình mẫu tử, bỏ đứa con trai ngây ngô ở lại với bà Châu nơi vùng quê nghèo để theo chân chồng quay trở lại chốn thị thành…

Vũ bị thiểu năng, khờ khạo, luôn sống và cảm nhận cuộc sống bằng tình cảm rất đỗi chân thành. Tình cảm ấy cậu đã trao tặng cho những người cùng sống với mình dưới mái nhà lá đơn sơ, giản dị mà tràn đầy tình cảm ấm áp ấy. Trước tình cảnh bà Châu bị bệnh, Nguyệt chuẩn bị sinh nở, Vũ rất muốn kiếm tiền, chính vì thế, cậu bị dụ dỗ đi bán thận và chẳng bao lâu qua đời vì sức khỏe yếu và những biến chứng sau cuộc phẫu thuật. Vũ mất, bà Châu như hóa điên, sống với tâm thái nửa mê nửa tỉnh, chỉ mong hình bóng Vũ quay về với bà. Vợ chồng ông Phương đau đớn ngộ ra sự mất mát rất lớn về tình cảm gia đình mà bấy lâu nay họ đã quay lưng, bỏ mặc… Riêng với Phúc, sau một thời gian sống trong sự lọc lừa, gian dối, bất nhân của cha ruột, anh tỉnh trí, quay trở về nhưng người mẹ yêu quý đã không còn nhận ra anh nữa...

Câu chuyện tình cảm tâm lý xã hội chọn bối cảnh chính ở một làng quê Nam bộ với những con người lao động chân chất, luôn khát khao tình cảm, cuộc sống hạnh phúc. Trong cái nghèo nặng tình ấy, những ai không đủ bản lĩnh sẽ dễ dàng bị sa ngã trước những tham vọng tiền tài và cuộc sống giàu sang, xa hoa. Và sau những phù du của cuộc sống vật chất, điều đọng lại với người với đời trên hết vẫn là những giá trị cao quý của tình yêu chân chính, tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng mà những người mẹ luôn dành trọn cho đứa con của mình. Bên cạnh đó, vở diễn còn mạnh mẽ phê phán vấn nạn buôn bán thận lậu, đã khiến bao con người khỏe mạnh trở nên tiều tụy, suy sụp về sức khỏe, tinh thần, cuộc sống nhiều gia đình lâm cảnh đau thương, mất mát.

Kết thúc vở diễn, sau lớp áo khoác và những câu hát ngây ngô nhưng chất chứa rất nhiều tình cảm mà lúc Vũ còn sống đã trao tặng cho bà Châu, Phúc được bà Châu nhận lại mình dưới hình hài của Vũ. Nỗi đau ấy sẽ luôn theo đuổi anh trong suốt quãng đời sau này. Đây là một trong số ít cảnh diễn gây được nhiều cảm xúc sâu lắng, quay quắt tâm tư người xem.

Có thể cảm nhận, sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý của dàn diễn viên Đoàn 1 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã làm nên một vở diễn hay, ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả yêu thích sân khấu cải lương. Tuy trong vở còn vài cảnh, chi tiết chưa được thể hiện tốt nhất có thể, nhưng với sự diễn xuất chuyên nghiệp của NSƯT Thoại Miêu, Trọng Nghĩa, Tâm Tâm, Lý Thu… và sự nỗ lực của dàn nghệ sĩ trẻ, đã ít nhiều tạo được dấu ấn đẹp về một vở diễn có chất lượng về nội dung, tính nghệ thuật và ý nghĩa đối với cuộc sống con người xã hội mới.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục