Vở cải lương lịch sử Trung thần: Tươi mới, thời sự

Vở cải lương Trung thần (tác giả, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt) vừa công diễn phục vụ khán giả, với sự tham gia của các nghệ sĩ: Lê Tứ, Tú Sương, Lê Trung Thảo, Điền Trung, Minh Trường, Lê Thanh Thảo, Võ Minh Lâm…  
Vở cải lương lịch sử Trung thần: Tươi mới, thời sự

Vở cải lương Trung thần (tác giả, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt) vừa công diễn phục vụ khán giả, với sự tham gia của các nghệ sĩ: Lê Tứ, Tú Sương, Lê Trung Thảo, Điền Trung, Minh Trường, Lê Thanh Thảo, Võ Minh Lâm…  

Trung thần nhận được sự đồng cảm từ khán giả, trước tiên vì ý nghĩa nội dung: Trong một xã hội, một vương triều, khi những trung thần luôn tận tụy hết mình vì giang sơn xã tắc; sống cần kiệm, liêm chính thì luôn tồn tại một thế lực đối nghịch - những gian thần, nịnh thần, chỉ coi trọng cái tôi cá nhân, chăm bẵm cho lợi ích bản thân. Sự đối chọi gay gắt giữa hai luồng quan điểm đã giúp vở cải lương kịch tính, nóng bỏng, nhiều cao trào, từng nhân vật trong câu chuyện thể hiện được chiều sâu tâm lý.

Một cảnh trong vở cải lương lịch sử Trung thần

Trong vở, cả 3 nhân vật: Tả quân Lê Văn Duyệt (Lê Trung Thảo), Trung quân Nguyễn Văn Thành (Lê Tứ) và Hữu quân Lê Chất (Điền Trung) - ba tướng tài dưới trướng Nguyễn Ánh (Xuân Trúc), luôn xem trọng nhiệm vụ phò tá nhà vua. Những nỗ lực của 3 trung thần đã góp phần không nhỏ làm nên vương triều vua Gia Long - Nguyễn Ánh và vị vua kế nhiệm - vua Minh Mạng (Nguyễn Minh Trường). Tuy nhiên, sau khi thế sự đã ở giai đoạn bình ổn, chính sự nghi kỵ tài năng của người cầm quân cùng với việc gian thần ngày đêm tìm mọi cách loại trừ những trung thần để mưu lợi, đã khiến hai vị vua có những quyết định sai lầm trong cách cư xử, trọng dụng người tài. Trong khi trung thần lo cho dân có cuộc sống ấm no, kiên quyết trừng trị những quan tham ô chuyên hà hiếp dân đen thì những nịnh thần ngày đêm kề cận bên vua chỉ lo mưu lợi cá nhân, khư khư quan điểm sống còn với thời cuộc bằng tính nhỏ nhen đố kỵ, ích kỷ… Từ những xúc xiểm nghe được hàng ngày, nhà vua lệch lạc dần trong đường lối cai trị, quên đi những cống hiến cả đời của những vị tướng tài, khiến từng vị trung thần lần lượt rơi vào vòng xoáy quyền lực, những cạm bẫy vương quyền, bị ép buộc đến không thể sống. Để rồi, số phận của từng trung thần tuy có khác nhau, nhưng cái chết nào cũng có cùng một nỗi uất ức: không còn cơ hội góp sức lo cho dân, cho nước.

Cảm phục tài năng và đức độ của các nhân vật trung thần trong lịch sử, đặc biệt là Tả quân Lê Văn Duyệt, NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ đã chấp bút viết kịch bản Trung thần cách đây 3 năm. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu được chị đặt nhiều tâm huyết để sáng tác. Trung thần ra đời, nhưng vì thiếu những điều kiện để dàn dựng, công diễn nên tác phẩm dù hoàn thành nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy. Đến nay, nhân cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, đạo diễn Hoa Hạ đã bắt tay dàn dựng với sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình từ anh em nghệ sĩ. Đặc biệt, tuy là thể loại cải lương lịch sử nhưng vở đựợc dàn dựng tươi mới, hợp thời đại, đạt được giá trị thời sự nhất định trong xã hội ngày nay, mà vẫn giữ trọn vẹn những tinh chất quý giá của sân khấu cải lương truyền thống.

Theo nhiều khán giả, đây là vở diễn lịch sử hay, dễ xem, dễ cảm, có chất lượng và chiều sâu từ nội dung đến hình thức, đậm tính nghệ thuật đặc trưng của sân khấu cải lương miền Nam. Xem Trung thần không ít khán giả bùi ngùi nhớ lại một thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương TPHCM với những vở diễn hay, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Ngoài ra, điểm cộng thêm cho vở diễn, đó là tài năng diễn xuất của dàn nghệ sĩ trẻ.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục