Vỡ mộng vì mua “đất hơi”

Vỡ mộng vì mua “đất hơi”

UBND TP Hà Nội vừa ban hành chính sách mới về đền bù, hỗ trợ, giải tỏa được quy định trong Quyết định số 33/2008/QĐ-UB. Theo đó nhà nước sẽ bồi thường thỏa đáng khi thu hồi đất nông nghiệp của nông dân.

Đền bù bằng đất dịch vụ

Vỡ mộng vì mua “đất hơi” ảnh 1
Nhiều trung tâm môi giới đất ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức-Hà Tây) mọc lên ngay khi có thông tin Hà Tây sáp nhập Hà Nội

Theo quy định mới này, khi thu hồi từ 30% đất nông nghiệp trở lên, mỗi hộ dân sẽ được đền bù bằng đất dịch vụ hoặc nhà ở chung cư hoặc tiền mặt tùy theo nguyện vọng của người dân và tình hình thực tế.  

Trước đây, việc đền bù đất dịch vụ cho người nông dân mất ruộng rất khó khăn bởi quỹ đất của Hà Nội ngày càng hẹp, mặt bằng dành cho các dự án, khu đô thị mới, khu tái định cư rất khó xoay xở.

Nhưng sau khi mở rộng thủ đô, Hà Nội sẽ có một quỹ đất đủ để triển khai các dự án lớn và đặc biệt là việc đền bù, hỗ trợ đất dịch vụ hoặc nhà ở cho dân trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Trong khi theo khảo sát, thăm dò thì được đền bù đất dịch vụ là mong muốn của phần lớn người dân bị thu hồi đất, góp phần mở đường cho các dự án đang bị bế tắc hiện nay, nhất là các dự án để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, được “thuận buồm xuôi gió”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội - có một điểm đáng quan tâm trong quy định mới là chỉ những hộ dân có đất nông nghiệp và đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được đáp ứng chính sách trên. Còn lại, các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ như trên.

Chủ trương trên đã khiến hàng trăm người không chỉ ở Hà Nội mà cả từ nhiều tỉnh, thành đã đổ xô vào khu vực Hà Nội mở rộng (chủ yếu là trên địa bàn tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hòa Bình) để săn mua ruộng (mà người dân vẫn quen gọi là săn “đất hơi”) trở thành “vỡ mộng”.

Đây là tình trạng đã rộ lên từ hồi đầu năm 2008 và đã từng được cảnh báo, khi hàng trăm người ào ạt đổ về khu Hà Nội “mới”, để săn mua ruộng bằng giấy viết tay. Phần lớn khách hàng đã chấp nhận bỏ ra các mức tiền từ 60, 120 và cao nhất là 250 triệu đồng/sào (tùy từng khu vực) để sở hữu những lô đất ruộng rộng từ vài trăm đến cả héc ta nhằm mục đích: sau khi bị thu hồi thì được đền bù 10% suất đất dịch vụ như chính sách mà UBND tỉnh Hà Tây hiện đang áp dụng.

Giới đầu cơ “tiến thoái lưỡng nan”

Trả lời câu hỏi, khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội (vào ngày 1-8 sắp tới) thì việc triển khai chính sách đền bù 10% suất đất dịch vụ trong tổng số đất ruộng bị thu hồi có còn được chính quyền Hà Nội “mới” áp dụng không, ông Biền khẳng định rằng không hề có chuyện thực hiện 10% đất dịch vụ ở Hà Tây. Theo quy định, tùy theo quỹ đất và điều kiện cụ thể mà cấp diện tích đất dịch vụ, trong đó, ở Hà Tây hiện nay, một suất đất dịch vụ được giao tối đa chỉ là 150m2. Theo quyết định số 33 thì người bị thu hồi từ 30% hoặc 70% hoặc 90% đất ruộng trở lên đều chỉ được đền bù 1 lần suất đất dịch vụ và với hạn mức giao đất như nhau (đối với thị trấn và các xã ven đô là 60m2, xã đồng bằng là 80m2, xã trung du là 120m2). Số còn lại sẽ thực hiện theo chính sách đền bù chung mà Nhà nước đã quy định.

Nếu theo đúng chủ trương trên, thì ngay cả trường hợp người mua gom, đầu cơ đất ruộng ở Hà Nội (cũ) “nhờ” chủ ruộng đứng tên để nhận ngầm suất đất dịch vụ (theo thỏa thuận) cũng không thể thực hiện được. Bởi nếu người nông dân đã nhận suất đất dịch vụ đối với thửa ruộng đã chuyển nhượng thì những thửa ruộng sau đó, khi bị thu hồi, họ sẽ không còn suất đất dịch vụ nữa và họ sẽ không chấp nhận “tiếp tay” cho người đầu cơ đất. Bởi vì một suất đất dịch vụ luôn có giá cao gấp vài chục lần mức giá đất ruộng được đền bù.

Ngược lại, người mua đất ruộng không được nhận suất đất dịch vụ, buộc phải áp dụng chính sách đền bù thông thường - mức phổ biến là 54 triệu đồng/sào, cao nhất là 90 triệu đồng/sào (nếu có cả cây lâu năm, công trình xây dựng). Nếu so với mức giá mà họ đã bỏ ra để “ôm” đất ruộng là 200-250 triệu đồng/sào thì lỗ rất nặng. Giới đầu cơ đất đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. 

Theo ông Biền, lý do khi đưa ra chủ trương này, Nhà nước muốn lo cho những người dân làm nông nghiệp khi bị thu hồi đất. Còn những người mua lại, hầu như họ sống không phải nhờ mảnh đất này mà chỉ là để đầu tư, đầu cơ. Nếu bị thu hồi, họ chỉ được hưởng theo chính sách thu hồi, giải tỏa. 

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục