Vỏ tràm cũng hóa thành tranh

Vỏ tràm cũng hóa thành tranh

Từ những mảng vỏ cây tràm nham nhở - nguồn nguyên liệu vô tận ở vùng rừng ngập mặn miền Tây, nói đúng hơn là một loại phế liệu tưởng như bỏ đi ấy, ai ngờ qua bàn tay khéo léo, tinh tế của họa sĩ Nguyễn Phúc Hào đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Họa sĩ Nguyễn Phúc Hào kể: Cách đây chừng 4 tháng, trong một lần rong ruổi trên phố, anh đã dừng chân trước một công trường xây dựng với ngổn ngang giàn giáo bằng cây tràm. Anh đưa tay với một mảng vỏ cây tràm rồi tách nó ra. Thật lạ, khá nhiều lớp vỏ tràm dày có, mỏng có rơi ra với nhiều gam màu sáng tối khác nhau.

Trong đầu anh bật ra câu hỏi: Ở loại tranh gỗ ghép, người ta phải lạng thật mỏng những miếng gỗ để làm tranh, trong khi vỏ tràm đã có rất nhiều ưu điểm. Tại sao không đưa vỏ tràm vào làm tranh?

Vỏ tràm cũng hóa thành tranh ảnh 1

Họa sĩ Nguyễn Phúc Hào đang kiểm tra lần cuối bức tranh “Sen trên đầm” được làm bằng vỏ tràm.

Về nhà, anh Hào bắt tay vào mày mò thử nghiệm. Bức tranh đầu tiên ra lò bằng vỏ cây tràm là “Thiếu nữ bên hoa huệ” chép lại bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Tô Ngọc Vân chỉ to bằng khổ giấy A4. Từ đây, những mảnh vỏ tràm không còn xù xì, đơn điệu mà đã trở thành một chất liệu hội họa mới, trông đẹp như một bức tranh sơn dầu ngả về gam màu nâu – vàng với những đường nét thật mềm mại. Thành công bước đầu đã thúc giục anh chuyển hẳn từ một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu sang họa sĩ “vẽ” tranh bằng vỏ cây tràm!

Tranh của Nguyễn Phúc Hào hướng đến các chủ đề như chân dung thiếu nữ, kỳ quan Angkor, vịnh Hạ Long, hoa, chân dung một số nhà khoa học – nhạc sĩ, phong cảnh, hoa sen, phố cổ Hội An… Các lớp vỏ của cây tràm bóc ra, anh Hào không bỏ đi thứ gì. Lớp xù xì, rêu mốc nhất bên ngoài sẽ sử dụng để làm những mảng tối, mạnh mẽ; lớp mỏng hơn rất phù hợp để biểu hiện cho đường nét mềm mại. Hầu hết các tác phẩm đầu tay của anh Hào đều đã được khách hàng đặt mua.

Anh đang thực hiện trở lại các đề tài cũ theo yêu cầu của khách, đồng thời mở rộng ra các đề tài mới. Tranh tràm có giá bán bình quân khoảng 200-300 USD/bức, tính theo ngày công và sự độc đáo của bức tranh. Chẳng hạn, bức chân dung nhà khoa học Albert Einsten giá bán lên tới 490 USD vì ngoài công làm tới 7 ngày, khó khăn nhất là phải khắc họa rõ cái thần của nhà bác học biểu hiện trên từng đường nét của khuôn mặt, qua ánh mắt…

Quy trình làm tranh cũng thật công phu. Vỏ tràm được đi thu gom từ các công trường xây dựng hoặc xuống tận kho nguyên liệu ở miền Tây, bóc tách chúng ra từng lớp rồi phơi khô, phân loại theo tông màu: trắng, nâu, vàng.... Sau khi họa sĩ phác họa trên nền ván ép, từng mảng vỏ sẽ được dán keo thật khít theo bố cục định sẵn theo tông màu tự nhiên của vỏ.

Anh Hào cho biết: “Một bức tranh thường phải ghép từ hàng trăm miếng vỏ. Để cho tranh bền lâu cả trăm năm, tôi còn dùng loại dầu bóng PU phủ lên bề mặt của vỏ tràm. Điểm đặc biệt trong việc làm tranh tràm là ngoài công đoạn dùng dao để tách vỏ thì những khâu còn lại đều phải dùng tay để xé vỏ tràm rồi dán lên gỗ”.

Tranh vỏ tràm của Nguyễn Phúc Hào mới chỉ “trình làng” lần đầu tiên tại Hội chợ chuyên ngành đồ gỗ - thủ công mỹ nghệ Expo 2005 được tổ chức vào tháng 10 vừa qua nhưng đã tìm được khá nhiều đối tác, đặc biệt là các khách hàng đến từ nước ngoài. Đã có hợp đồng từ Mỹ đặt anh làm 400 bức tranh bằng vỏ tràm.

Khách hàng từ châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… đã tìm đến cơ sở của anh để bàn chuyện xuất khẩu tranh tràm. Anh Hào đang tính đến việc chuyên nghiệp hóa các công đoạn làm tranh như: người tách vỏ, người dán nền, người dán khuôn mặt… thì mới có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Có thể nói, sau tre, gỗ, song mây, gốc cây cà phê… thì nay, vỏ tràm cũng hóa thành tranh. Sức sáng tạo của con người quả là vô tận! 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục