Nằm giữa bốn bề sông nước Hậu Giang, cù lao Ông Hổ có thế địa linh nhân kiệt bởi mảnh đất này còn là nơi chôn nhau cắt rốn của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Chuyện kể xứ cù lao
Từ bến phà Ô Môi của TP Long Xuyên (An Giang), mất hơn 20 phút ngồi phà vì phải chạy vòng qua một cồn nhỏ, chúng ta sẽ đến một cù lao trầm tích. Tên hành chính của cù lao hiện nay là xã Mỹ Hòa Hưng nhưng người dân miền Tây quen gọi nơi đây là cù lao Ông Hổ.
Các bậc cao niên ở đây kể rằng, thuở xưa, vùng đất này là một khu rừng rậm rạp, nhiều muông thú. Vào thời khẩn hoang, những người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá rừng hoang. Họ vào rừng đốn củi, săn bắt, đánh cá, dựng nhà, lấn rừng lập làng…
Một gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con đưa về nhà chăm sóc. Trong tình thương yêu của con người, loài mãnh thú trở nên hiền hòa, thân thuộc. Đáp lại ơn cứu mạng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ.
Gia đình ấy có một cô con gái bị mù. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến một ngày, cô gái đổ bệnh qua đời. Hổ buồn rầu và một thời gian sau cũng chết theo. Cảm nhận nghĩa tình của hổ với người, dân làng đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ Ông Hổ. Cái tên cù lao Ông Hổ ra đời từ đó.
Trên mảnh đất cù lao này có ngôi nhà gỗ đơn sơ - nơi gìn giữ những kỷ niệm về thuở thiếu thời của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1887 bởi thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề, với lối kiến trúc hình chữ Quốc, sàn lót ván, mái lợp ngói ống, chiều ngang 12m, dài 13m, rộng hơn 150m².
Năm 1984, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận nơi đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Bác Tôn, nhân dân An Giang đã khánh thành khu lưu niệm Bác Tôn trên khuôn viên 6,7 ha với nhiều công trình kiến trúc độc đáo.
Trong đó, đền thờ tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng với kiến trúc cổ lầu tam cấp đặc sắc, nơi chính điện là tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân; đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Miền đất chan hòa
Dân Nam bộ thường nói - người cù lao sống có cốt cách, xứ cù lao là xứ chân tình. Không biết có phải hương nồng của phù sa trái ngọt hay bốn bề sông nước quanh năm mà người xứ cù lao chan hòa đến vậy.
Nhiều người dân ở cù lao Ông Hổ cho biết, cách đây chỉ hơn 10 năm, bước lên khỏi bến phà Ô Môi là đụng phải những con đường sình lầy, đi lại khó khăn. Đêm đến, cả cù lao tối om vì không có điện.
Vậy mà bây giờ bộ mặt cù lao đã khác xưa nhiều lắm. Đó là nhờ phong trào đóng góp xây dựng đường sá suốt 10 năm qua với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng để thực hiện 30km đường giao thông, nơi mà xe 4 bánh có thể đi về các ấp.
Cù lao cũng là nơi xuất hiện những mô hình kinh tế hiệu quả. Vườn cây ăn trái, rau an toàn, nuôi cá tra, cá basa xuất khẩu... cho thu nhập rất cao. Việc phát triển kinh tế hộ gia đình làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện. Giờ đây, chuyện nông dân thu nhập 100 triệu đồng/năm không còn là chuyện hiếm.
Xúc động hơn, mảnh đất cù lao này cũng là nơi phát động và duy trì phong trào “Bồ lúa tình thương” giúp người nghèo, bệnh tật, già cả, neo đơn qua cơn thắt ngặt.
Người khởi xướng và trực tiếp quản lý, điều hành “Bồ lúa tình thương” là ông Nguyễn Văn Thương, tự Út Thương, ngụ ấp Mỹ An 2. Ông rủ rê thêm mấy ông bạn già trong xóm, dành một phần đất bên cạnh nhà dựng vách, che mái nên được bà con trong ấp gọi là “Bồ lúa tình thương”. Tiếng lành đồn xa, người nghèo tìm đến ngày càng đông.
Đến nay, “Bồ lúa tình thương” thu hút hơn 20 mạnh thường quân thường xuyên. Có năm, bà con đóng góp lên đến vài tấn gạo cho người nghèo. Giờ đây, những người “khai sinh” phong trào kẻ còn, người mất, nhưng bà con gần xa vẫn nhớ, trân trọng và quý mến họ - những người có tấm lòng vàng trên quê hương Bác Tôn.
Hiện, cù lao Ông Hổ là điểm du lịch hấp dẫn. Ngoài hình thức khách cùng ở với chủ nhà (homestay), cù lao còn là nơi đặt văn phòng điều hành của dự án “Du lịch nông nghiệp”. Đây là loại hình du lịch cộng đồng nằm trong dự án “Nâng cao năng lực du lịch nông nghiệp” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Agriterra tài trợ, vừa đưa vào hoạt động vào tháng 4-2009.
Từ dự án này, cù lao Ông Hổ lại có một sức hút mới, một vóc dáng khác mạnh mẽ như chính tên gọi của mình.
TRẦN MINH TRƯỜNG