8 tháng, thu hút hơn 22,6 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt 22,63 tỷ USD, chỉ bằng 93% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 2.400 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25% số dự án so với cùng kỳ nhưng về vốn chỉ đạt 9,13 tỷ USD, bằng 68% so với cùng kỳ. Ngoài ra, có hơn 900 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 23% so với cùng kỳ), với số vốn điều chỉnh tăng gần 4 tỷ USD (chỉ bằng 71% so với cùng kỳ). Có nghĩa là việc điều chỉnh tăng vốn chỉ tập trung ở những dự án nhỏ, số tăng không cao nên tổng vốn tăng không bằng năm trước. Riêng hoạt động góp vốn, mua cổ phần, 8 tháng có hơn 5.200 lượt góp vốn, mua cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,5 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ và chiếm 42% tổng vốn đăng ký.
Trong nước, địa bàn thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất là Hà Nội với tổng vốn đăng ký 5,66 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư; TPHCM đứng thứ hai với 3,86 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 1,95 tỷ USD chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Vẫn thu hút dự án thâm dụng lao động
Trong năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã tập trung đổ vốn vào 19 ngành lĩnh vực. Theo thống kê, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hút lượng vốn đầu tư nhiều nhất, với tổng số vốn đạt 15,74 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai vẫn là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,19 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy nhiên, theo phân tích về triển vọng thương mại và dòng vốn FDI vào Việt Nam của Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì Việt Nam thực sự sở hữu những lợi thế cạnh tranh lớn so với các nước khác trong khu vực nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư. Thế nhưng, các dự án đầu tư thời gian tới sẽ tập trung từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và nhóm sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Như vậy, nhóm cuối cùng là nhờ dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft…
Và thực tế những tháng qua dòng vốn FDI đổ vào chủ yếu ở các hoạt động chế biến chế tạo với các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, thiết bị điện tử, dệt may. Điển hình như dự án sản xuất lốp xe của Trung Quốc ở Tây Ninh và Tiền Giang, dự án sản xuất vải và nhuộm vải dệt tại Nghệ An. Mặc dù chủ trương của Chính phủ là hướng tới sàng lọc và hạn chế các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng mức độ áp dụng ở các tỉnh thành khá phân hóa, nơi thực hiện tốt chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM. Và những dự án đầu tư trong năm nay hầu hết cũng ở tầm trung. Trong khi đó, những năm trước có nhiều dự án tỷ đô, tuy nhiên, lại tập trung ở lĩnh vực nhiệt điện nên giải ngân chậm, vì phải đánh giá tác động môi trường.
Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 439 triệu USD Bên cạnh hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, 8 tháng qua các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư ra nước ngoài tại 30 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số tiền 439 triệu USD (vốn cấp mới và tăng thêm). Cụ thể, có 102 dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 339,5 triệu USD; 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 99,5 triệu USD. Trong đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 22% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 19%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm hơn 16% |