Theo hồ sơ, từ năm 2002, tỉnh An Giang đã nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất đai và xây dựng trên Núi Cấm; đồng thời xác định đây là khu vực phòng thủ quan trọng (núi cao 708m, cao nhất vùng ĐBSCL). Tuy nhiên, trên Núi Cấm có rất nhiều công trình xây dựng trái phép, trong đó có 10 homestay được xây dựng với quy mô lớn. Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, các homestay này hình thành từ năm 2019. Chính quyền và ngành chức năng địa phương nhiều lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư nhưng không xử lý quyết liệt, dứt điểm, yêu cầu trả lại nguyên trạng. Đến nay, các công trình xây dựng trái phép trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật.
Sau khi bị dừng hoạt động (từ cuối tháng 8) do không đảm bảo an toàn, không có giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ một số homestay đã lên tiếng phản đối, cho rằng chủ trương của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước không nhất quán. Bà V. (chủ một homestay khá nổi tiếng trên Núi Cấm) cho hay, lúc bà xây homestay thì cán bộ kiểm lâm có lên và nói (miệng): “Chỗ chị làm được, vì dưới cây rừng”(!?). Chính quyền địa phương cũng không ai nói hay nhắc nhở gì. Bà L. (chủ một homestay khác) thì khẳng định, bà có công “đem thiên nhiên tươi đẹp tới với mọi người, sao lại cấm?”. Bà L. còn cho rằng chỗ homestay của mình rất an toàn, không hề có nguy cơ sạt lở, nếu có sẽ xử lý ngay(!). Theo các chủ homestay này, việc homestay dừng hoạt động khiến họ bị thiệt hại kinh tế, mất thu nhập, phải trả lãi ngân hàng… Do đó, họ mong muốn chính quyền cho các homestay được tồn tại sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Một homestay trên Núi Cấm đang được chủ đầu tư tháo dỡ một phần trong những ngày gần đây |
Liên quan tới ý kiến của chủ các homestay trên Núi Cấm, ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên, khẳng định, ngay từ khi phát hiện có công trình xây cất trái phép trên Núi Cấm, chính quyền địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở không được vi phạm. Sau khi kết thúc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính quyền thị xã Tịnh Biên tiếp tục ra biên bản vi phạm và quyết định xử phạt, buộc chủ 10 homestay phải tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Nhưng tất cả các chủ homestay đều nộp tiền phạt rồi cố tình chây ỳ, không thực hiện việc tháo dỡ theo quyết định đã có hiệu lực. Trước tình hình đó, UBND thị xã Tịnh Biên đã báo cáo UBND tỉnh An Giang có hướng xử lý dứt điểm các sai phạm về xây dựng và kinh doanh du lịch trên Núi Cấm.
Về quan điểm xử lý, ngày 5-10, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thông tin, tập thể Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh An Giang đã thống nhất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Gần đây trên Núi Cấm xảy ra sạt lở rất nguy hiểm, nếu các homestay xây dựng, hoạt động trái phép xảy sự cố thì ai chịu trách nhiệm? Họ (chủ các homestay - PV) đã kiến nghị ra Văn phòng Chính phủ, có cán bộ Văn phòng Chính phủ gọi điện cho tôi, nhưng quan điểm của tôi là dứt khoát xử nghiêm mọi hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.