>> Bất ngờ cấm lưu thông 2 tuyến đường chính tại TP Huế
(SGGPO). - Chiều 12-9, UBND TP Huế tổ chức họp báo thông tin về kết quả tổ chức cưỡng chế thu hồi khu nhà, đất (diện tích 2.114m²) tại số 62 Nguyễn Huệ, TP Huế mà ông bà Nguyễn Sinh và Lê Thị Hoài Phương (đều trú tại TP Huế) liên tục khiếu nại đòi quyền sở hữu trong nhiều năm qua.
Đại diện UBND TP Huế cho rằng, việc cưỡng chế diễn ra từ 8 giờ kéo dài đến 11 giờ 30 cùng ngày. Tại buổi cưỡng chế thu hồi nhà đất, ông Sinh không có mặt; các thành viên khác trong gia đình mặc dù vẫn có biểu hiện không chấp hành, nhưng đã được lực lượng cưỡng chế đưa về nhà và lên trụ sở UBND phường Vĩnh Ninh, TP Huế để đảm bảo công tác cưỡng chế diễn ra an toàn. Hiện hệ thống cây xanh và các tài sản khác hiện hữu trên khu đất, nhà bị cưỡng chế đang được chính quyền địa phương tạm giữ và bảo quản, đợi đến ngày 13-9 sẽ thông báo cho gia đình ông Sinh đến nhận, nếu không sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Riêng hai dãy nhà xây dựng trên khu đất, lực lượng cưỡng chế đã tiến hành tháo dỡ để bàn giao toàn bộ khu đất cho chủ đầu tư triển khai xây dựng trường mầm non Vĩnh Ninh theo Quyết định số 1998/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
UBND TP Huế tổ chức họp báo thông tin về kết quả tổ chức cưỡng chế thu hồi khu nhà, đất tại số 62 Nguyễn Huệ, TP Huế vào chiều 12-9.
Tại cuộc họp báo nhiều phóng viên đặt câu hỏi, việc cưỡng chế thu hồi khu nhà, đất tại số 62 Nguyễn Huệ đã được Hội đồng cưỡng chế xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từ rất lâu nhưng khi triển khai lại không cho báo chí tác nghiệp. Đặc biệt, hai tuyến đường chính tại trung tâm TP Huế là Nguyễn Huệ và Nguyễn Trường Tộ (đường dẫn đến số 62 Nguyễn Huệ, cũng là đường dẫn vào cổng Bệnh viện Đại học Y Dược Huế; Trường Cao đẳng Y tế Huế; Trường Mần non Vĩnh Ninh; Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế…) bất ngờ bị Công an dựng rào chắn, cấm người và phương tiện lưu thông trong thời gian hơn 3 giờ đồng hồ để phục vụ việc cưỡng chế đã khiến nhiều người dân không đồng tình? Ông Dương Khắc Tiệp, Phó Trưởng Công an TP Huế cho rằng, làm như vậy là để đảm bảo an ninh trật tự cho hội đồng cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời bảo vệ an toàn tính mạng cho người thi hành công vụ và ngay cả những người chống đối.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Sinh không có quan hệ ruột thịt, không có tư cách pháp nhân và không có cơ sở đưa ra khiếu nại đòi lại khu nhà, đất tại số 62 Nguyễn Huệ, tại sao UBND TP Huế lại hỗ trợ gia đình ông Sinh lô đất 172m² tại khu quy hoạch Bầu Vá, TP Huế (trị giá 1,8 tỷ đồng) khi mà gia đình ông Sinh không có đơn xin đất? Ông Hoàng Văn Quang, Phó Chánh Văn phòng TP Huế giải thích, vấn đề này xuất phát từ thông báo kết luận vào tháng 10-2012 của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) liên quan đến đơn thư khiếu nại của ông Sinh với nội dung “…Trường hợp gia đình ông Nguyễn Sinh có khó khăn về chỗ ở đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét giải quyết hỗ trợ theo chính sách xã hội”. Ngoài ra, xét hoàn cảnh thực tế của gia đình ông Nguyễn Sinh cũng khó khăn về chỗ ở nên UBND TP Huế đã xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, báo cáo đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ cho gia đình ông Sinh lô đất nói trên để làm nhà, ổn định cuộc sống. Song gia đình ông Sinh không đồng ý. Hiện Quyết định số 2679/QĐ-UBND về việc giao lô đất 172m² (không thu tiền sử dụng đất) cấp cho gia đình ông Sinh vẫn chưa bị UBND TP Huế ban hành Quyết định thu hồi.
Liên quan đến việc cưỡng chế nhà, đất số 62 Nguyễn Huệ, theo đại diện UBND TP Huế, khu nhà, đất nói trên trước đây thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hữu Bài (thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn dưới thời vua Đồng Khánh – Duy Tân). Ông Bài qua đời, các đồng thừa kế là Nguyễn Hữu Thị Dương, Nguyễn Hữu Thị Tài và Nguyễn Hữu Thị Tú tiếp tục sử dụng. Đến năm 1972, các đồng thừa kế đã lập văn tự nhà đất giao cho ông Đỗ Chính Thống quản lý sử dụng để cho thuê, thu hoa lợi. Sau ngày giải phóng Huế năm 1975, khu nhà, đất trên nói trên bỏ hoang nên chính quyền cách mạng tiếp quản, quản lý và giao cho một số đơn vị nhà nước quản lý, sử dụng. Đến năm 1993, Sở Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Bình Trị Thiên tiến hành xây dựng công trình trên lô đất nói trên thì ông Nguyễn Sinh cản trở, khiếu nại do căn cứ vào đơn xin lại khu đất này lập vào ngày 6-3-1993 của bà Nguyễn Hữu Thị Tài (đồng thừa kế) đã ủy quyền. Song đơn thư khiếu nại của ông Sinh không được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Thanh tra và Văn phòng Chính phủ giải quyết vì không có cơ sở pháp lý. UBND TP Huế buộc phải tiến hành cưỡng chế thu hồi khu nhà, đất nói trên để xây Trường mầm non Vĩnh Ninh theo quyết định số 1998/QĐ-UBND của UBND tỉnh, để phục vụ nhu cầu học tập cho con em địa phương.
VĂN THẮNG