Vụ cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức: Ai là người chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường?

Trường hợp phương tiện vi phạm bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ hoặc người trực tiếp quản lý, bảo quản phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định. 
Hiện trường vụ cháy bãi xe của CSGT Thủ Đức
Hiện trường vụ cháy bãi xe của CSGT Thủ Đức

Liên quan đến vụ “Cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức" như SGGPO đã thông tin, ngày 1-4, Công an TP Thủ Đức phối hợp cùng các đơn vị có liên quan Công an TPHCM tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.

Nguy cơ cháy nổ cao ở các bãi xe

Theo điều tra, khoảng 22 giờ 15 ngày 30-3, người dân sinh sống ở đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức (TPHCM) phát hiện khói lửa bốc lên từ bãi tạm giữ xe vi phạm của Đội CSGT khu vực 3 (Đội CSGT quận Thủ Đức cũ) nằm trong con hẻm đường này nên hô hoán.

Người dân địa phương cùng cán bộ CSGT trực tại đây dùng nước, bình chữa cháy dập lửa nhưng bất thành. Ngọn lửa nhanh chóng lây lan bao trùm cả bãi tạm giữ xe.

Vụ cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức: Ai là người chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường? ảnh 1 Ngọn lửa bao trùm cả bãi xe của CSGT Thủ Đức vào tối ngày 30-3. Ảnh: CHÍ THẠCH 

Nhận tin, Công an TP Thủ Đức cùng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Thủ Đức đã điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ có mặt tiến hành chữa cháy. Gần 1 giờ sau, ngọn lửa mới được khống chế. Vụ cháy khiến cho hàng chục chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn.

Vụ cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức: Ai là người chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường? ảnh 2 Hiện trường vụ việc 

Công an TP Thủ Đức cho hay, những xe vi phạm bị cháy là xe cũ nát, không có giấy tờ… Các xe này được lực lượng xử phạt tạm giữ đã lâu ngày và không có ai tới nhận. Sau đó, công an đã ra quyết định tịch thu và đang chờ hoàn tất thủ tục đấu giá, thanh lý thì xảy ra vụ việc.

Hiện công an vẫn thống kê các phương tiện bị cháy, hư hỏng và đang làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, đã có nhiều vụ cháy bãi xe, gara xe gây thiệt hại nặng về tài sản xảy ra trên địa bàn TPHCM. Điển hình như vụ cháy bãi xe trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8) vào chiều 5-4-2014, thiêu rụi hơn 300 xe gắn máy và nhiều ô tô, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Vụ cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức: Ai là người chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường? ảnh 3 Hàng trăm xe máy, xe ô tô bị thiêu rụi ở bãi xe đường Cao Lỗ, quận 8 vào năm 2014

Đầu năm 2016, một gara ô tô trên đường Cống Quỳnh (quận 1) cũng bị “bà hỏa” tấn công, làm hơn chục ô tô đắt tiền đang chờ sửa chữa tại đây bị cháy trơ khung. Vụ cháy còn đe dọa tính mạng hàng chục hộ dân sống xung quanh.

Ai chịu trách nhiệm về tài sản bị cháy nổ, hư hỏng… khi bị tạm giữ ở trụ sở CSGT?

Trao đổi với luật sư Lê Nguyễn Quốc Anh, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Cảnh sát giao thông đường bộ có thể quyết định tạm giữ phương tiện giao thông trong các trường hợp sau:

Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt khi người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại 100/2019/NĐ-CP và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Vụ cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức: Ai là người chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường? ảnh 4 Trường hợp phương tiện vi phạm bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ hoặc người trực tiếp quản lý, bảo quản phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định

Luật sư Quốc Anh cho biết thêm, theo quy định tại khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 9 Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì khi tạm giữ phương tiện giao thông, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản phương tiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ phương tiện.

Cũng theo Điều 10 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cơ quan CSGT sẽ có trách nhiệm bồi thường cho các chủ phương tiện giao thông bị hư hỏng. Về nguyên tắc, khi xảy ra thiệt hại thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường (bằng tiền hoặc bằng hiện vật), thời gian bồi thường.

Trường hợp không thể thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại thì chủ phương tiện giao thông có thể làm các thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Một lãnh đạo của Đội CSGT thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, đơn vị từng mất xe tạm giữ của người vi phạm. Sau khi xảy ra vụ việc thì đơn vị chủ động liên hệ với chủ xe để bồi thường.

Giá trị xe đã qua sử dụng được tham khảo giá từ những nơi mua bán xe cũ, mức giá đưa ra cả CSGT và bên chủ xe thấy hợp lý thì thống nhất. Số tiền bồi thường cho chủ xe bị tạm giữ do cán bộ được giao trông coi chi trả.

Hai bên có thể thống nhất với nhau để thuê một đơn vị độc lập giám định giá trị tài sản. Trường hợp không tìm được tiếng nói chung, một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.

Phần lớn cháy xe là do hệ thống điện
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM cho hay, trong năm 2020, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ cháy xe ô tô, xe máy... khi đang dừng đậu, tắt máy hoặc lưu thông trên đường. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống điện của xe, do đốt phá hoặc do hệ thống xả khói...

Từ những vụ việc trên trên cho thấy hệ thống điện của mọi loại xe ô tô đều tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ. Đặc biệt, nguy hiểm là các loại phương tiện giao thông đường bộ sắp hết "đát", phương tiện được hoán cải, sửa chữa và đấu nối thêm nhiều đường dây, thiết bị điện.

Nhiều người cho rằng xe đậu và tắt máy là an toàn. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Hầu hết các xe ô tô (kể cả xe máy), hệ thống điện đều nối mát vào khung sườn (đấu cực âm ắc-quy vào khung sườn), khi tắt máy, tắt mát chỉ ngắt mát từ khung sườn tới các thiết bị điều khiển và bảo vệ, còn nguồn điện (dây nóng hay dây dương) từ ắc quy tới các thiết bị vẫn còn.

Do đó, nếu vỏ bọc dây dẫn điện dương bị sự cố nào đó làm bong hở và lõi dây chạm vào khung sườn kim loại của xe, lập tức phát sinh chạm chập (ngắn mạch) và có thể gây cháy.

Vụ cháy bãi xe của CSGT TP Thủ Đức: Ai là người chịu trách nhiệm nếu có yêu cầu bồi thường? ảnh 5 Lực lượng PCCC TPHCM chữa cháy xe container đang lưu thông bốc cháy trên Xa Lộ Hà Nội vào tháng 1-2021. Ảnh: CHÍ THẠCH 

Để hạn chế cháy nổ phương tiện giao thông đường bộ, các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cần 1 số lưu ý:

Không sự dụng phương tiện hết hạn sử dụng, không nên sử dụng phương tiện hoán cải, sửa chữa hệ thống điện nhiều lần. Khi sử dụng phương tiện phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện; kịp thời phát hiện và khắc phục các vị trí dây dẫn bị chuột cắn, bong vỏ, rắc nối tiếp xúc kém, thiết bị bảo vệ không đảm bảo...

Trang bị bình chữa cháy xách tay và các phương tiện chữa cháy cần thiết cho xe cơ giới trên 4 chỗ ngồi. Người phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

Có người quản lý, trông coi phương tiện khi không hoạt động để kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố. Xe dừng đậu lâu ngày nên tháo rời bình ắc-quy hoặc cọc bình. Khi phát hiện sự cố cháy nổ, phương tiện phải nhanh chóng thoát hiểm, đồng thời sử dụng các dụng cụ sẵn có để dập lửa và điện báo tổng đài 114.

Tin cùng chuyên mục