Vụ chủ nhân blog “Cô gái Đồ Long” bị tạm giam: Hậu quả của việc xuyên tạc đời tư công dân

Sau khi bị bắt khẩn cấp vào tối 23-10 tại nhà riêng, bà Lê Nguyễn Hương Trà – chủ nhân blog (nhật ký điện tử cá nhân) “Cô gái Đồ Long” đã bị tống đạt quyết định khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Vụ chủ nhân blog “Cô gái Đồ Long” bị tạm giam: Hậu quả của việc xuyên tạc đời tư công dân

Sau khi bị bắt khẩn cấp vào tối 23-10 tại nhà riêng, bà Lê Nguyễn Hương Trà – chủ nhân blog (nhật ký điện tử cá nhân) “Cô gái Đồ Long” đã bị tống đạt quyết định khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự.

  • Thích thì... xúc phạm

Cách đây 3 năm, vụ kiện yêu cầu xin lỗi công khai giữa nguyên đơn là bà Bùi Thị Phương Thanh (ca sĩ, tên gọi thân mật là Chanh) với bị đơn là bà Lê Nguyễn Hương Trà thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì đây là lần đầu tiên một chủ nhân blog bị kiện ra tòa vì viết không đúng sự thật.

Theo trình bày của ca sĩ Phương Thanh tại phiên tòa, chủ nhân blog Cô gái Đồ Long đã viết 2 bài trong blog (về live show “Mưa” và “Chuyện của… Cờ”) với những chi tiết phóng đại nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm và hạ uy tín của mình. Do vậy ca sĩ Phương Thanh yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai trên một số báo.

Tuy nhiên, bà Hương Trà không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng nhân vật mang tên Cờ trong bài viết chỉ là một nhân vật viết phiếm chỉ chứ không ám chỉ ca sĩ Phương Thanh, còn những tình tiết trong bài viết là những câu chuyện góp nhặt từ hậu trường của giới nghệ sĩ.

Tháng 2-2008, TAND quận Tân Bình đưa vụ kiện ra xét xử. Với nhận định nguyên đơn yêu cầu bị đơn xin lỗi vì viết sai sự thật là không có cơ sở, mặt khác 2 bài viết này được đăng trên blog nhưng nguyên đơn lại yêu cầu xin lỗi trên 3 tờ báo là không phù hợp. Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, đồng ý để bị đơn viết bài đăng trên blog của mình giải thích rõ về những nội dung đã viết.

Tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 7-2008, TAND TPHCM tuyên hủy án sơ thẩm, đưa về xét xử lại từ đầu vì cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng. Sau đó, tại phiên hòa giải, ca sĩ Phương Thanh chấp nhận lời xin lỗi của bà Hương Trà và vụ kiện được khép lại.

Những tưởng sau vụ việc đó, bà Hương Trà sẽ sửa mình để không bị “vạ miệng” nữa. Nhưng không, trên blog của bà vẫn xuất hiện nhiều bài viết với nội dung bươi móc chuyện đời tư, xúc phạm đến danh dự, uy tín của người khác.

Cụ thể mới đây trong bài “Các người đẹp lấy chồng”, bà Hương Trà đã dùng lời lẽ có hàm ý miệt thị một số cá nhân. Do những chi tiết nêu trong bài thiếu căn cứ (dựa vào một bức thư nặc danh), sai sự thật nên bà Hương Trà bị khởi tố.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

  • Không thể phát tán thông tin thiếu căn cứ

Sau khi bà Hương Trà bị bắt, có dư luận cho rằng chủ nhân blog Cô gái Đồ Long gặp nạn do dám “vuốt râu hùm”, viết bài xúc phạm một vị thứ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM), việc cơ quan công an bắt giữ bà Hương Trà là không sai. Những gì đăng tải trên blog phải nằm trong khuôn khổ pháp luật; nếu lợi dụng tự do ngôn luận, cố ý nói sai sự thật về đời tư của người khác thì chủ nhân blog phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã phát ngôn.

Chính nhiều cư dân trên mạng sau khi xem các bài viết trên blog nổi tiếng và tai tiếng này cũng đồng tình với việc bắt giữ bà Hương Trà. Điều này thể hiện rõ qua những lời bình luận về bài viết “Blogger “Cô gái Đồ Long” bị bắt” trên một số trang mạng.

Chẳng hạn: “Mình không thích blog này, viết rất tục, mất văn hóa quá. Có lần đọc thấy choáng luôn. Chẳng phải ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng vậy, bạn muốn viết gì thì phải có chứng cứ đàng hoàng chứ không có ngày rước họa vào thân”; “Hương Trà viết nhiều khi rất tục tĩu, vô duyên, bới móc chuyện đời tư của người khác. Đấy là điều mình rất khó chịu”; “Nói chung không biết sự thật về chuyện đó là thế nào nhưng đọc cách viết của “Cô gái Đồ Long” về vị quan chức, phu nhân của vị quan chức đó, thì đúng là lời lẽ khó nghe, có phần xúc phạm nữa”; “Từng đọc blog của cô này, cách hành văn nghe rất kẻ cả, cứ như người được giao quyền phán xét một ai đó vậy, không hề khách quan chút nào”; “Sống trong xã hội nào cũng vậy thôi, anh hạ thấp, bôi xấu, anh kéo bè kéo cánh chỉ để thỏa mãn cái lòng đố kỵ của anh thì anh sẽ sớm bị đào thải”...

Sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh đối với các chủ nhân blog có “tham vọng” nổi tiếng bằng những bài viết xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Không nên nghĩ rằng blog của tôi, tôi muốn viết gì thì viết; bởi một khi blog được cả cộng đồng cùng xem thì đó không còn là chuyện riêng của một vài cá nhân mà đó là văn hóa, phản ánh cái tâm và tầm của mỗi người. Có như vậy mới hạn chế được nguy hại thật từ thế giới ảo! 

A.CHÂN

- Thông tin liên quan:

>> Khởi tố chủ nhân blog “Cô gái Đồ Long”

Tin cùng chuyên mục