- Đề nghị ngưng vận hành hồ chứa để xử lý đập
Ngày 21-3, đoàn công tác của Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục KĐNN về CLCTXD - Bộ Xây dựng) do TS Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra, khảo sát về sự cố rò rỉ nước tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2 và xác định nguyên nhân là do thiết kế thiếu ống thu nước trong thân đập.
Trước những lo lắng của người dân và chính quyền địa phương về hiện tượng thấm chảy nước tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2, sáng 21-3, Cục KĐNN về CLCTXD đã tiến hành kiểm tra toàn bộ thân đập, các hành lang thu nước nằm bên trong thân đập. Đơn vị quản lý viện nhiều lý do để không cho phóng viên đi cùng đoàn vào đường hầm bên trong thân đập thủy điện cùng đoàn kiểm tra.
Theo quan sát của PV Báo SGGP sáng 21-3, trên thân đập vẫn còn nhiều điểm nước chảy nhưng lưu lượng thấp hơn mấy ngày trước, đặc biệt hai vai sát cửa xả nước vẫn chảy xối xả như suối. Trên vai đập trái, đơn vị thi công đã khoan nhiều lỗ và cắm ống nhựa và nước phun từ ống nhựa này lên cao cả mét, bên cạnh là nhiều can nhựa bên ngoài ghi dòng chữ “phụ gia chặn nước đông cứng nhanh”.
|
Chiều cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đi kiểm tra và có buổi làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Sông Tranh, Cục KĐNN về CLCTXD cùng các ngành liên quan. Ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam, nhận định, qua khảo sát thực tế nhận thấy có 7 vệt nước (chứ không phải 6 vệt như Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 2 báo cáo - PV) chảy ra từ thân đập chính, trong đó có 2 vệt nước ở 2 bên đập tràn có dòng chảy lớn nhất. Ban quản lý dự án cho rằng việc chống thấm chứng tỏ công trình “có vấn đề” về kỹ thuật thi công và chất lượng.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My phản đối một số chi tiết trong báo cáo của Ban quản lý dự án thủy điện 3 (BQLDATĐ 3) khi khẳng định “Trên địa bàn Bắc Trà My không còn xảy ra động đất từ cuối năm 2011 đến nay” là không chính xác vì đầu tháng 3-2012, một trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay đã xảy ra trên địa bàn. Thứ 2, BQLDATĐ 3 cho rằng việc rò rỉ nước bắt đầu từ tháng 10-2011 cũng không đúng vì hiện tượng này xảy ra sau khi có hiện tượng động đất kích thích. “Chúng tôi lo ngại những đợt rung gần đây có phát triển thêm các khe nhiệt dẫn đến thấm nước qua thân đập. Chúng tôi có đầy đủ các lý do để lo ngại cho sinh mạng mấy chục ngàn dân. Vì vậy, nếu cần thì ngưng vận hành hồ chứa trong một thời gian để xử lý từ phía thượng lưu chứ không phải xử lý từ phía hạ lưu như hiện nay”.
Về phần mình, ông Trần Văn Hải, Trưởng BQLDATĐ 3 kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Tranh, thay vì phát biểu ý kiến thì đọc công văn khẩn của EVN gửi UBND tỉnh Quảng Nam và trấn an “đập vẫn an toàn, dân và chính quyền yên tâm”.
Ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục KĐNN về CLCTXD xác định nguyên nhân dẫn đến nước xì ra ngoài thân đập là do thiếu đường ống thu nước trong đường hầm từ rãnh bên trái phía hạ lưu để thu nước ra ngoài. Chính vì nước đọng rãnh bên trái, các khe co giãn lại không có roan omega (vì phía hạ lưu không bao giờ có nước nên trong thiết kế họ không đặt roan omega) nên nước ồ ạt chảy qua khe co giãn. Khi chảy, nước ngấm vào trong bê tông nên loang ra, tuy nhiên, nước chủ yếu chảy ra tại các khe co giãn.
Vì vậy, nguyên nhân đầu tiên là do lỗi thiết kế thiếu đường ống. Lỗi thứ 2 là qua quá trình khai thác sử dụng, khi thấy nước đọng trong đường hầm về nguyên tắc là phải tìm ngay nguyên nhân để làm sao tháo nước đó ra trong khi công ty không làm việc đó, lại chậm xử lý nên gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân thứ 3 là nhà thầu thiếu tích cực chủ động cùng chủ đầu tư khắc phục. Cho đến khi báo chí lên tiếng, dư luận bức xúc, lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm thì nhà thầu mới cuống lên.
Ông Dung khẳng định: “Chúng tôi không phát hiện vết nứt nào trong cả 3 đường hầm và ngoài vỏ thân đập. Còn có ý kiến “liệu có ảnh hưởng đến động đất kích thích không”, chúng tôi đi kiểm tra tại các khe co giãn thì nó làm việc rất tốt, chỉ có 2 khe số 7 và số 12 có vết nứt 3mm và 2,2mm. Vì vậy, theo đánh giá của chúng tôi, đập Sông Tranh 2 này rất ổn định và đúng theo thiết kế của nó. Nguồn nước thẩm thấu qua thân đập với lượng nước 30 lít/giây là khá lớn (chứ không phải là “mức cho phép” như BQLDATĐ 3 phát biểu - PV) nên phải tìm biện pháp giảm mực nước”. Ông Dung cũng khuyến cáo đơn vị thi công không nên bơm hóa chất vào thân đập như hiện nay mà phải phun xi-măng hoặc trám nhựa đường.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho rằng, vấn đề này rất cần có ý kiến của Hội đồng khoa học cấp nhà nước, mong sớm có kết luận để công bố với nhân dân chứ không phải giải thích cảm tính như hiện nay. Phải thừa nhận sai sót trong thiết kế, thi công mới xì nước chứ không thể nói là an toàn, an tâm vì nhà của mình xì nước ở ống xối đã lo, nói gì đến công trình cấp quốc gia. Đập lớn cấp quốc gia như thế này mà thấm thì đề nghị các ngành trung ương giải quyết thấu đáo, nếu cần thì hạ thấp mực nước để xử lý cho triệt để, phải đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu. Đồng thời, sớm chính thức công bố kết luận, xác định nguyên nhân và có giải pháp giải quyết sự cố. Cái gì sai, chủ đầu tư phải nghiêm túc khắc phục.
| |
Nguyên Khôi
| |
| |