Vũ khúc hào hùng của “Đàn sếu bay”

Vũ khúc hào hùng của “Đàn sếu bay”

“Đối mặt với sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, chúng ta phải luôn tưởng nhớ đến cha ông chúng ta và cam kết quyết tâm bảo vệ thế giới vì sự phát triển ổn định và công bằng, vì nền văn hóa, quan hệ ngoại giao mới giữa các quốc gia - không bao giờ cho phép một cuộc chiến tranh dù lạnh hay nóng được phép lặp lại” - Vladimir Putin (2005).

Lời cam kết của một dân tộc quả cảm

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức gây chiến chống Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Trải qua 6 năm chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, ngày 9-5-1945 phát xít Đức ký văn bản đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh.

Ngày chiến thắng đánh dấu sự kiện Đức quốc xã đầu hàng Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh thế giới II. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đã cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít, đem lại cuộc sống hòa bình cho nhiều dân tộc.

Trong cuộc đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc và loại trừ chiến tranh khỏi thế giới loài người đó, Liên Xô (cũ) là nước chịu tổn thất nặng nề nhất: hơn 27 triệu người con của Tổ quốc đã hy sinh, 1.700 thành phố và thị trấn bị tàn phá, 70 ngàn làng mạc và thôn xóm bị cướp bóc, hàng chục ngàn xí nghiệp công nghiệp bị hủy diệt, gây thiệt hại gần 30% số tài sản quốc gia.

Nhân dân Liên Xô (cũ) và các lực lượng vũ trang của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã góp phần quan trọng tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, bảo vệ tự do và độc lập của Tổ quốc, hoàn thành sứ mạng giải phóng vĩ đại, thực hiện vẻ vang nghĩa vụ quốc tế.

Vũ khúc hào hùng của “Đàn sếu bay” ảnh 1

Thao duyệt cho lễ diễu hành ngày 9-5-2008 sẽ diễn ra tại Quảng trường Đỏ, Mátxcơva.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã chứng minh một cách hùng hồn sự đoàn kết nhất trí giữa Đảng và nhân dân, khối liên minh không gì phá vỡ nổi của giai cấp công nhân - nông dân và trí thức lao động, tình hữu nghị và đoàn kết anh em giữa các dân tộc.

Đó là thắng lợi vô địch của Nhà nước Xô viết do Lênin sáng lập, là thắng lợi của chế độ xã hội tiến bộ nhất. Thắng lợi của cuộc chiến đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thế giới, làm phát triển mạnh mẽ phong trào công nhân và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Ở châu Âu, một loạt nước tách khỏi hệ thống tư bản chủ nghĩa như Albania, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania và Nam Tư. Ở châu Á, Việt Nam, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc tiếp tục khẳng định con đường phát triển chủ nghĩa xã hội. Và tại châu Mỹ, Cuba hiên ngang trước các thế lực tư bản thù địch. Quá trình cách mạng thế giới được mở đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã lan tỏa và bao trùm khắp các lục địa, đã thật sự là một quá trình mang tính chất toàn thế giới.

Ngày chiến thắng phát xít (9-5) luôn là một ngày lễ trọng đại của đất nước Nga. Trong lịch sử, lễ diễu hành Ngày chiến thắng lần đầu tiên được tổ chức trên Quảng trường Đỏ vào ngày 24-6-1945 theo lệnh của Tổng tư lệnh tối cao lúc đó là Joseph Stalin - nhà lãnh đạo Liên Xô đi tới chiến thắng Đức quốc xã. Từ năm 1991 cho đến 1994, các cuộc diễu binh tại Quảng trường Đỏ không được tổ chức. Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng, cuộc diễu binh đã được tổ chức trên núi Poklonna.

Từ năm 1996, truyền thống diễu binh trên Quảng trường Đỏ được khôi phục, nhưng không có xe tăng và đại bác như thời trước năm 1990. Sau 17 năm gián đoạn, năm nay, Tổng thống Nga quyết định khôi phục lại các cuộc diễu binh với vũ khí quân dụng hạng nặng. Giới bình luận cho rằng đây không chỉ là sự quay trở lại truyền thống của các cuộc diễu binh mà với biểu tượng Ngày chiến thắng 2008 mang đầy đủ ý nghĩa liên quan đến việc thiết lập và củng cố vị thế quyền lực mới của Nga, và còn truyền trực tiếp bức thông điệp mới của nước Nga - chính thức tuyên bố đối với các lực lượng gây chiến, khẳng định lời cam kết “không bao giờ cho phép một cuộc chiến tranh dù lạnh hay nóng được phép lặp lại”.

Lễ kỷ niệm năm nay đã được nước Nga chuẩn bị với một chương trình diễu hành của các lực lượng vũ trang với các loại vũ khí tối tân nhất của Nga. Tham gia diễu hành có hơn 6.000 quan chức, binh lính, cựu chiến binh. Quan trọng hơn nữa, nước Nga sẽ cho thấy một diện mạo chính trị mới: Trước ngày này, ông Dimitry Medvedev sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và theo dự kiến chỉ sau một ngày ông Vladimir Putin được bầu chọn vào vai trò mới - Thủ tướng Nga.

“Đàn sếu bay” - Hình tượng người anh hùng Xô viết trong trái tim Việt Nam

Hãy tưởng đến khoảnh khắc hào hùng của những phi đội bay “Dùi cui”, “Gấu Nga”, “Dũng sĩ” hay “Chim én”…, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh “Đàn sếu bay”: Những người lính ngã xuống trên chiến trường vì Tổ quốc, không nằm sâu vào lòng đất mà biến thành chim sếu bay trên bầu trời kêu gọi chúng ta chống lại kẻ thù… Bài thơ ấy là của Rasul Gamzatov, một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thế kỷ XX, nhà thơ Nga - Xô viết. Bài thơ đã được phổ nhạc và được chọn làm nhạc nền cho bộ phim Khi đàn sếu bay qua (1957, chuyển thể từ kịch nói Những người sống mãi của Viktor Rozov). Bộ phim đã được tặng giải Cành cọ vàng trong Liên hoan phim quốc tế Cannes 1958. Tác phẩm Đàn sếu bay đã có hàng chục bản dịch sang tiếng Việt.

Cũng trong dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5 năm nay, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam “Dải nơ chiến thắng” - một biểu tượng ở Nga tôn vinh chiến thắng phát xít và tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh trao cho đại diện thế hệ trẻ hai nước và Hội Hữu nghị Việt - Nga tại các địa phương. Hãng thông tấn RIA Novosti, một trong hai tổ chức đề ra sáng kiến phát động và tổ chức phong trào “Dải nơ chiến thắng” đã gửi sang Việt Nam 400 dải nơ để tặng công dân Nga và các bạn Việt Nam.

Những người bạn Việt của nước Nga cũng xin hòa mình vào một khoảng lặng thiêng liêng thường diễn ra vào lúc 18 giờ 55 phút (giờ Mátxcơva, tức 21 giờ 55 phút giờ Hà Nội) ngày 9-5, khi mà tất cả các kênh phát thanh và truyền hình ở Liên bang Nga theo truyền thống đều ngừng các chương trình để ngân vang tiếng chuông đồng hồ trên tháp Xpátxkaia tại Điện Cremli điểm 7 giờ tối - một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống phát xít.

Lễ diễu binh kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít năm nay tại Nga sẽ có màn trình diễn các loại vũ khí tối tân nhất của Nga, chẳng hạn như các xe chiến đấu bộ binh BMP-3, xe thiết giáp BTR-80, xe tăng T-90 và các máy phóng lưu động tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M. Trong đoàn diễu hành cơ giới có sự tham gia của 4 tổ hợp phóng tên lửa phòng không S-300. Lực lượng không quân Nga sẽ tiến hành cuộc trình diễn trên không với hơn 30 máy bay quân sự, trong đó có phi đội bay “Dũng sĩ Nga”, phi đội “Chim én”, “Dùi cui” Tu-160 Blackjack, “Gấu Nga” Tu-95, máy bay chiến đấu Su-34 Fullback, máy bay đánh chặn Mig-31 Foxhound, máy bay vận tải An-124 Condor, các đội nhào lộn trên không của Nga, Strizhi và Russkiye Vityazi và nhiều loại máy bay trực thăng khác.

THANH TRÚC tổng hợp

Tin cùng chuyên mục