Vụ xử lý ô nhiễm bãi rác An Hiệp: Xem xét hỗ trợ nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 17-8, UBND tỉnh Bến Tre, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre đã khảo sát thực tế việc khắc phục ô nhiễm và tổ chức Hội nghị thông tin với báo chí về Kết quả khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Ba Tri).

Tại hội nghị, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre cho biết, hiện đã xử lý được mùi hôi, ruồi… cơ bản đã làm đúng cam kết với người dân sống trong bán kính 1.000m, là khắc phục trước ngày 19-8, nhưng vẫn còn trên 20 hộ không đồng thuận đưa rác về từ các huyện: Ba Tri, Châu Thành và TP Bến Tre.

Bãi rác An Hiệp đã phủ bạt hạn chế mùi hôi

Bãi rác An Hiệp đã phủ bạt hạn chế mùi hôi

Riêng việc xử lý nước rỉ thải, mới thực hiện ở mức tạm thời, là ngăn chặn thoát nước ra ngoài gây ô nhiễm, phủ bạt hạn chế mùi hôi, rồi dẫn nước vào ao sinh học tập trung để đưa qua khu chứa nước thải, chưa có công nghệ xử lý nước rỉ thải triệt để.

PV Báo SGGP đặt câu hỏi: "Ngành TN-MT có quan trắc các chỉ số ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí quanh bãi rác?; Phương án xử lý nếu người dân tiếp tục không đồng thuận?; Việc tái cơ cấu nhà máy xử lý rác không đảm bảo về khoảng cách tối thiểu 500-1.000m?".

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre cho biết: “Địa bàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất huyện Thạnh Phú đầu tư phân loại, xử lý rác theo công nghệ sinh học tái chế làm phân bón, đã phát huy hiệu quả tích cực; các bãi rác còn lại của các huyện vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp - công nghệ phổ biến ở cả ĐBSCL. Về lâu dài, việc chôn lấp sẽ không đáp ứng được quỹ đất, xử lý triệt để mùi hôi… việc xử lý nước rỉ thải, đề nghị UBND tỉnh bổ sung vốn để đầu tư hệ thống công suất 30m3 khối/ngày đêm. Do là dự án mới, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc chậm nhất là quý 1-2024”.

Lót bạt để làm ao sinh học chứa nước rỉ thải
Lót bạt để làm ao sinh học chứa nước rỉ thải

Ngoài ra, dù chưa có chính sách hỗ trợ theo quy định, nhưng địa phương cũng đã tranh thủ vận động mạnh thường quân xem xét hỗ trợ về nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, kiểm tra sức khỏe cho người dân... Riêng các chỉ số đánh giá mức độ ô nhiễm, ngành TN-MT đang nghiên cứu và sẽ thông tin kết quả.

Theo ông Bùi Minh Tuấn, hiện đã có 5 nhà đầu tư gửi hồ sơ năng lực, nguyện vọng góp sức cùng địa phương xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến như: Nghiền rác, đốt rác phát điện, chôn lấp kết hợp tái sinh… Riêng Bãi rác An Hiệp, tỉnh cũng đã có kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác cho khu vực ven biển, quy hoạch tạo vùng đệm cách khu dân cư. Hiện bãi rác này chỉ còn khả năng tiếp nhận rác đến cuối năm 2026, kể cả mở rộng thêm 3ha. Khi đó, bãi rác chỉ lưu chứa, phủ đậy, chôn lấp; để xử lý cục bộ, dự kiến kêu gọi đầu tư “lò đốt” với công suất 50-70 tấn/ngày.

Tương lai, ngành TN-MT sẽ tham mưu về quy hoạch khu vực xử lý rác liên hợp, xu hướng chung là không đầu tư từng nhà máy riêng lẻ tại các huyện, do quỹ đất hạn chế, lượng rác không đủ, khó thu hút đầu tư.

Đối với tái cơ cấu nhà máy xử lý rác, UBND tỉnh đã chấp thuận Tập đoàn AMACCAO mua lại cổ phần của Nhà máy xử lý rác Bến Tre, đầu tư công nghệ đốt điện rác, với công suất 650 tấn/ngày.

Trước mắt, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan đẩy nhanh các hạng mục kêu gọi đầu tư. Đồng thời khẩn trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại Bãi rác An Hiệp; tạo điều kiện cho người dân giám sát kết quả khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ông Bùi Minh Tuấn cho hay, đến ngày 19-8, nếu người dân vẫn không đồng thuận cho xe chở rác vào bãi đổ rác, các ngành chức năng sẽ tiếp tục vận động, có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Tin cùng chuyên mục