
Vải thiều ở Bắc Giang và miền Bắc đang vào thời kỳ chín rộ. Năm nay khác hẳn những mùa vải trước, do vải thiều bị mất mùa trên diện rộng, sản lượng giảm khoảng 50% nên hiện vải được bán với giá khá cao. Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc đã tìm vào tận vườn thu mua nên giá cao gấp 8-10 lần năm trước.
Cao gấp 10 lần năm trước
Chúng tôi tìm về vựa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Cảnh đìu hiu của bao năm trước không còn nữa. Suốt dọc con đường dài 40km nối liền vựa vải Lục Nam - Lục Ngạn, ở đâu cũng ùn ùn các xe vải. Trong các điểm cân, các chủ vườn đứng xếp hàng dài đợi cân vải của mình. Gương mặt nào cũng hớn hở vì vải bán được giá cao.

Người dân hớn hở đưa vải về chợ vì năm nay vải có giá đắt gấp 8 - 10 lần năm trước, vải ngon số lượng bao nhiêu cũng được tư thương Trung Quốc thu gom hết.
“Năm ngoái, lúc thu hoạch rộ, giá vải rớt xuống chỉ còn 800đ/kg, thậm chí có khi còn 400đ/kg. Nhưng năm nay, thấp nhất cũng bán được giá 3.000-4.000đ, còn loại ngon phải 10.000đ/kg”, anh Triệu Văn Việt, chủ một vựa vải rộng 12 mẫu ở xã Phượng Sơn, nói. Do vải ít nên ở điểm cân nào cũng phải sử dụng 7-8 “cò” đứng kín ở hai bên đường, hễ có xe vải đi qua là chèo kéo vào để thu mua chứ không còn “thờ ơ” như năm trước.
Anh Hoàng Văn Thành, ở xã Thanh Hải, bảo: “Năm ngoái, một xe vải nặng cũng chỉ được 100.000đ nhưng cũng xe vải như thế, năm nay lên tới 1-1,2 triệu đồng hoặc hơn, tính ra nông dân chúng tôi đã có lãi lớn từ quả vải”.
Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết, vải năm nay bị mất mùa nặng. Nguyên nhân là do hai trận lụt lịch sử năm 2008 khiến hàng vạn gốc vải bị “sặc” nước. Chưa hết, tháng 2-2009 vừa qua, nắng ấm quá sớm nên hoa vải rụng hàng loạt. Ngoài ra, do năm trước vải rớt giá nên người dân chặt bỏ nhiều.
Chủ động thời vụ để không bị ép giá
Năm nay, có rất nhiều thương lái từ Trung Quốc tìm về tận Lục Ngạn để mua vải chở về Trung Quốc theo phương thức mua tận gốc, bán tận ngọn nên giá vải được đẩy lên khá cao. Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang có 65 chủ thu gom là người Trung Quốc sang. Họ ăn ở ngay trong thị trấn, thuê nhà, thuê phiên dịch và “cò” để tuyển lựa vải.
Lý giải về nguyên nhân các thương nhân Trung Quốc vào tận Lục Ngạn để săn mua vải, ông Báo cho rằng là vì từ 1-7-2009 trở đi, vải cùng 4 loại trái khác của Việt Nam xuất sang Trung Quốc buộc phải có chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, họ vào Lục Ngạn mua vải sẽ yên tâm hơn.
Hiện tại, ở Lục Ngạn đã có khoảng 2.500ha vải được Bộ KH-CN cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và đạt tiêu chuẩn nông sản sạch (VietGap). Bởi vậy, ông Báo cho rằng, sau ngày 1-7, kể cả việc Trung Quốc có siết chặt về tiêu chuẩn thì vải Lục Ngạn vẫn vào Trung Quốc một cách dễ dàng.
Hiện nay, nhờ sự giúp đỡ của các nhà khoa học, người dân Lục Ngạn đang triển khai trồng khoảng 1.000ha vải chín sớm và sẽ tiến tới trồng thêm cả vải chín muộn, nhờ vậy sẽ kéo dài vụ thu hoạch lên 1-2 tháng. Khi đó sẽ không sợ bị thương lái ép giá do phải thu hoạch rộ cùng một lúc như trước đây nữa.
VĂN PHÚC HẬU (SGGP-12G)