Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến các ngành, lĩnh vực từ giao thông vận tải, tổ chức biểu diễn, ăn uống, vui chơi giải trí, an ninh trật tự... Đây cũng là ngành chịu tác động trước tiên, nặng nề và khá dai dẳng bởi dịch bệnh.
Thống kê sơ bộ, ảnh hưởng tiêu cực chưa từng có của dịch Covid-19 làm cho 40% - 60% lao động mất việc làm, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; lượng khách quốc tế cả năm ước giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ 10% -15%; tổng thu của ngành du lịch thiệt hại tương đương 23 tỷ USD. Tình hình dịch bệnh vẫn đang đặt ra thách thức mới, buộc ngành du lịch phải tư duy lại, thay đổi phương thức trên mọi phương diện, sâu rộng đến mức phải tái định nghĩa, tái tổ chức lại và làm mới hệ thống vận hành các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Làm sao để vực dậy ngành du lịch trong an toàn, đảm bảo nhiệm vụ kép đang là bài toán khó, nhưng không phải bất khả thi. Nhìn ở góc độ “tích cực không chờ đợi”, Covid-19 cũng tạo ra những xu hướng mới và cách tiếp cận mới. Xu hướng làm du lịch và sử dụng sản phẩm du lịch mới hình thành theo các phương thức liên minh, dựa trên nguyên tắc hạn chế tiếp xúc, làm thay đổi trật tự thế giới mới của ngành du lịch toàn cầu; thay đổi vai trò, vị trí các phân ngành du lịch nội địa và quốc tế.
Với Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch trong an toàn. Tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư. Thay đổi công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận tốt nhất các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch.
Cần huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với tiêu chí du lịch an toàn. Ưu tiên thực hiện các nội dung, số hóa toàn bộ dữ liệu hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn trọng điểm; trong đó có các thông tin điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; khuyến khích các mô hình check in, đo thân nhiệt tự động để tạo cảm giác thoải mái cho du khách, mà vẫn đảm bảo an toàn.
Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là cách thức để ngành du lịch sau cơn đau mau khỏi bệnh, nhanh chóng phục hồi và phát triển an toàn.