Vực dậy tăng trưởng ngành chế biến lương thực, thực phẩm

Tính cho đến đầu tháng 11-2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM ước tăng 7,85%. Điều đáng ghi nhận là đã có sự tăng trưởng vượt bậc của ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, đạt mức 7,19%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt mức 3,92%. 

 

Ngành hàng thực phẩm trong nước đang dần chiếm lĩnh thị phần nội địa
Ngành hàng thực phẩm trong nước đang dần chiếm lĩnh thị phần nội địa

Tiếp cận thị trường 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 7,19%. Tuy nhiên, nếu xét cụ thể hơn sẽ thấy sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,69% (cùng kỳ tăng 5,16%) và sản xuất đồ uống tăng 4,57% (cùng kỳ tăng 2,63%). Các con số này phù hợp với các ghi nhận phát triển thị trường trước đó. Trên thực tế, các chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm và đồ uống ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp, đã và đang giúp các doanh nghiệp ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố hiện có 2.279 cửa hàng tiện lợi, tăng 507 cửa hàng so với cuối năm 2017. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã phát triển được 4.127 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường, tăng 184 điểm bán so với Chương trình bình ổn lương thực thực phẩm năm 2017.

Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài nước trên thị trường bán lẻ thành phố, các doanh nghiệp nội cũng đang đẩy mạnh đầu tư, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, cho biết thêm các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng đang tận dụng tối đa lợi thế khi có sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp nước ngoài bằng việc tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ, từng bước đa dạng hóa sản phẩm và khả năng tiện ích cho người tiêu dùng. 

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam vốn đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu, khẩu vị lại nắm bắt rõ nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Lợi thế này cộng với sự nỗ lực hỗ trợ của thành phố trong hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt, chứng nhận sản phẩm chủ lực… đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống trở thành những doanh nghiệp thương hiệu mạnh có uy tín, từng bước chiếm lại thị phần trong nước, cũng như gia tăng năng lực xuất khẩu.
 
Bắt kịp xu hướng sản phẩm mới

Cũng theo Hội Lương thực Thực phẩm, trong thời gian qua, các chiến dịch truyền thông, quảng bá để hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và giữ vững thị phần trên sân nhà đã phát huy hiệu quả tích cực. Phải kể đến sự tiếp sức của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; chương trình kết nối cung, cầu hàng hóa giữa TPHCM với các địa phương, cùng nhiều chương trình xúc tiến thương mại thường xuyên, với quy mô ngày càng tăng trên địa bàn thành phố. Từ đó, người tiêu dùng trong nước đã và đang ngày càng tin dùng hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước. 

Có thể thấy, những nền tảng cần thiết để phát triển ngành lương thực thực phẩm đã được tạo dựng trong năm 2018 là khá hiệu quả. Tuy nhiên, nếu xét tính bền vững thì chưa chắc chắn. Do vậy, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống thành phố cần có định hướng tập trung phát triển đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng xu hướng mới hiện nay. Theo đó, phải tập trung đầu tư sản xuất những dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Hiện UBND TPHCM cũng đang xây dựng những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi phát triển theo định hướng trên. 

Một vấn đề khác, cùng với những thuận lợi về thương hiệu, thị phần thì những khó khăn về vốn đầu tư, xoay vòng vẫn đang kéo chân phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Rào cản tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ là thiếu tài sản thế chấp, không có kinh nghiệm để lập kế hoạch kinh doanh, dự án đầu tư đủ đảm bảo để thuyết phục ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ cho vay vốn.
 
Trước thực tế đó, về phía Sở Công thương và các sở ban ngành hiện đang tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển với 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng. Tập trung 5 nhóm chính sách hỗ trợ về mặt bằng; cơ chế vốn; khoa học - công nghệ; đào tạo nhân lực; xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. 

Ngoài ra, trong khuôn khổ Dự án “Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thời đại số” của APEC và Dự án “Tài chính chuỗi cung ứng” của Tổ chức Tài chính quốc tế, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang đẩy nhanh triển khai giải pháp thúc đẩy mối liên kết về dịch vụ tài chính giữa doanh nghiệp FDI và nhà cung cấp trong nước dưới hình thức tài trợ chuỗi cung ứng.
 
Hình thức tài trợ vốn này giúp chuyển hóa các khoản phải thu, hàng tồn kho thành tiền mặt dễ dàng và tiếp cận vốn với chi phí thấp trên mức tín nhiệm tín dụng cao của bên mua. Sản phẩm tài trợ này cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà cung cấp ở các thị trường mới nổi có thể thực hiện tài trợ cho giao dịch thanh toán sau với lãi suất cạnh tranh. Điều này sẽ khiến cho các nhà cung cấp trở nên hấp dẫn hơn đối với bên mua là các công ty toàn cầu. Nếu thúc đẩy tốt mối liên kết về tài chính sẽ nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng. Đồng thời sẽ giúp khắc phục vấn đề thiếu hụt vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Vấn đề còn lại, doanh nghiệp nội cần chủ động minh bạch hoạt động sản xuất và năng lực tài chính để được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng cũng như những tổ chức tài chính trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục