Vui buồn với buýt

Với nhiều cố gắng của chính quyền TPHCM trong việc đầu tư phát triển, trợ giá cho xe buýt, đến nay xe buýt đã thành một phương tiện vận tải hành khách công cộng khá tiện lợi. 
Các nhà xe đang cố gắng nâng cấp chất lượng dịch vụ nhằm thu hút hành khách. Hàng ngày, trên các tuyến đường, những chiếc xe buýt lăn bánh chở theo nhiều câu chuyện vui, buồn của hành khách. 
Những trải nghiệm
Hành khách đi xe buýt thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Nhiều năm đi xe buýt, chúng tôi nhận thấy việc gặp, tiếp xúc với nhiều người khi đi xe buýt giúp chúng ta có những trải nghiệm cụ thể về cách cư xử cũng như cách giải quyết những tình huống đời thường một cách hiệu quả. Thấy hiện tượng xấu thì biết lên án, thấy điều tốt thì biết học hỏi. Trong đó, điều hành khách đi xe buýt dễ thấy được là thái độ phục vụ của tài xế và tiếp viên trên xe buýt. 
Vui buồn với buýt ảnh 1 Điều hành khách đi xe buýt dễ thấy được là thái độ phục vụ của  nhân viên xe buýt. Ảnh: THU HƯỜNG
Mặc dù có chữ ghi rõ cửa lên và cửa xuống trên xe buýt, nhưng thực tế thì các bác tài thường đón - trả khách ở những cửa phù hợp với tình thế khi xe ghé trạm và có nhiều bác tài lại khá khó chịu về việc này.
Một sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ: Lần đầu đi xe buýt, em vô ý nên bị bác tài nặng lời “Không biết đọc chữ hả? Quy định lên cửa trước, xuống cửa sau đã dán trên thành xe buýt, sao lại lên cửa sau!”. Lần sau, cũng đi cùng tuyến xe buýt đó, rút kinh nghiệm, em nhắm cửa trước mà lên, trong khi đó bác tài lại mở cửa sau, em lại bị cự nự “Không có mắt nhìn thấy cửa sau đang mở hả?”. Thật sự em cũng không biết phải làm sao cho đúng, nên cảm thấy ngại ngần khi đi xe buýt. 
Quả là ai gặp tình huống này chắc cũng sẽ phải khó chịu. Tuy nhiên, ít hành khách thấu hiểu được có đủ thứ áp lực đang thúc ép người tài xế xe buýt (như phải về bến đúng thời gian trong khi đường sá chật chội, ùn tắc; phải bảo đảm lái xe an toàn khi cứ phải liên tục tấp vào trạm và tạt ra làn ô tô giữa dòng xe máy ken dày; phải vừa lái xe vừa giao tiếp với rất nhiều hành khách, thậm chí có những tuyến tài xế xe phải lo luôn cả việc soát vé, thu tiền…). 
Hành khách đi xe buýt còn gặp những chuyện khó chịu khác. Thời tiết oi bức nhưng máy lạnh trên xe thường không đủ mát, nên rất ngột ngạt. Những chuyến xe buýt qua khu công nghiệp hay làng đại học giờ cao điểm thường đông nghịt, hành khách phải đứng chen chúc, mệt mỏi và phải cảnh giác giữ mình. Hành khách nữ đi xe buýt có khi phải khốn khổ khi gặp trúng đối tượng quấy rối tình dục. Rồi còn chuyện kẻ gian lợi dụng xe đông mà móc túi, rạch giỏ.
Có lần chúng tôi chứng kiến kẻ gian móc túi trên tuyến xe buýt 150. Khi đó, anh tiếp viên đã hết sức gan dạ, lao đến bắt giữ đối tượng và bác tài nhanh chóng chạy thẳng đến đồn công an bàn giao thủ phạm cùng tang chứng. Sự việc ấy làm cho hành khách cảm thấy an lòng, vì biết rằng có những nhân viên xe buýt gan dạ và có trách nhiệm, bảo đảm sự an toàn cho hành khách.
Những chuyện dễ thương
Ở các trạm chờ và trên xe buýt không hẳn chỉ có những kẻ móc túi, những tên lừa đảo, những gã biến thái, mà còn có rất nhiều người cũng tử tế và rộng lượng. Có những câu chuyện rất dễ thương về cuộc sống và tình người. Không hiếm chuyện đi xe buýt mà quên mang theo ví tiền. Nhưng cũng không sao, chỉ cần hay chuyện là những hành khách cùng trạm chờ hay hành khách trên xe buýt sẽ sốt sắng giúp bạn vài ngàn đồng để trả tiền vé xe.
Bạn Ngọc Linh (sinh viên Đại học Nông Lâm TPHCM) kể về cuộc gặp đầu tiên của mình với cô bạn thân: “Hồi đó, nhờ chuyện cho mượn tiền đi xe buýt mà mình quen và trở thành bạn thân với một cô bạn cùng trường đại học. Bây giờ, mỗi lần nhắc lại chuyện này hai đứa đều cảm thấy vui vui. Gặp nhau trong tình huống oái oăm như thế quả là một kỷ niệm đáng nhớ. Sẵn lòng giúp đỡ người khác sẽ có thêm những tình thân tin cậy và tốt đẹp”.
Nếu biết chắt chiu những niềm vui nho nhỏ, chúng ta sẽ thấy trên mỗi chuyến xe buýt luôn chở theo những chuyện dễ thương. Hành khách đi tuyến xe buýt 30 vào khoảng 9 - 10 giờ sáng ngang Bệnh viện Thống Nhất sẽ dễ dàng bắt gặp những ông cụ, bà cụ từ bệnh viện lên xe trở về nhà. Ông dìu bà, bà dìu ông, họ ân cần hỏi thăm, chăm sóc nhau. Đấy thực sự là hình ảnh rất đẹp. Tài xế cũng như tiếp viên trên xe buýt cũng thường rất ân cần với những hành khách cao tuổi đáng kính ấy: tiếp viên lễ phép, nâng dìu; tài xế dừng xe hết sức cẩn thận và nhẫn nại chờ cụ ông cụ, bà cụ bước xuống xe. 
Có lần mưa to, bến xe Chợ Lớn ngập nặng. Đi xe buýt vào những lúc thế này mới thấy thương những nhân viên xe buýt. Lúc tuyến xe buýt 23 chưa thay xe mới, nước còn tràn cả lên xe. Anh nhân viên ướt sũng vẫn hăng hái xuống xe để giúp hành khách khiêng đồ đạc, dù mưa rất nặng hạt.
Câu chuyện về những đứa bé có kỳ nghỉ hè trên xe buýt cũng làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Có những bác tài không biết gửi con nhỏ ở đâu khi cháu nghỉ hè, nên phải dắt theo con lên xe buýt, cả ngày xuôi ngược trên lộ trình. Mới đây, chúng tôi rất ấn tượng với hình ảnh một cháu bé chừng 8 tuổi ngoan ngoãn ngồi ở phía sau lưng bố, líu lo kể cho bố nghe những điều mà cháu quan sát được bên ngoài ô cửa. Tuy không được đi nghỉ hè, nhưng chắc hẳn trong mùa hè cháu cũng hạnh phúc, khi được ở cạnh bố mình.
Còn rất nhiều những câu chuyện khác trên những chuyến xe thật ấm áp tình người. Hành khách đi buýt có dịp lặng yên quan sát, suy ngẫm những câu chuyện hết sức đời thường như thế... 

Tin cùng chuyên mục