Vùng Bảy Núi đổi thay trên từng phum, sóc

Tại huyện Tịnh Biên, trung ương đã đầu tư 87 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao phục vụ hơn 2.000 ha đất sản xuất trên địa bàn; trên 22 tỷ đồng xây dựng 3 trạm bơm điện phục vụ cho 1.920 ha đất sản xuất 3 vụ/năm. Đồng thời, tỉnh còn hỗ trợ gần 8 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng và láng nhựa hơn 2km lộ nông thôn.

Tính đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện có 2.935 hộ được gắn đồng hồ điện và 1.856 hộ gắn đồng hồ nước sinh hoạt. Hầu hết, các phum, sóc hẻo lánh đã cơ bản có điện thắp sáng và được cấp nước sinh hoạt tập trung.

Hiện nay, huyện Tri Tôn có 95% các hộ sử dụng lưới điện quốc gia và 97% hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% xã trong huyện Tri Tôn có đường ô tô đến trung tâm công trình thủy lợi phát huy tích cực, diện tích tưới tiêu tăng lên và chuyển vụ 2.263 ha”. Hàng năm, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm xuống, từ 5.344 hộ năm 2005 (18,12%) đến nay giảm còn 2.991 hộ (9,67%).

Ông Phạm Kỳ Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tri Tôn cho hay, từ năm 2006 đến nay, toàn huyện xây dựng trên 300 phòng học với tổng kinh phí trên 63 tỷ đồng, xóa bỏ tình trạng 3 ca, hệ thống giáo dục từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố và không ngừng phát triển. Trung ương đã đầu tư gần 4 tỷ đồng nâng cấp trường trung học phổ thông dân tộc nội trú và trường tiểu học, đang thi công giai đoạn 1 Trường Trung cấp dạy nghề dân tộc nội trú tỉnh với vốn đầu tư 36 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, từ nguồn của Trung ương, huyện Tịnh Biên cũng đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân bóng đá. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc còn tự đóng góp mua 2 dàn nhạc ngũ âm và thành lập đội ca múa nhạc Khmer để phục vụ các ngày lễ hội truyền thống. Các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đều có đội bóng chuyền, phục vụ phum, sóc và giao lưu, dự thi cấp huyện, tỉnh.

Những năm qua, huyện Tri Tôn là một trong những địa phương có phong trào văn hóa thể thao mạnh và đều khắp. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Tri Tôn và Tịnh Biên có trên 12.000 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, nhiều ngôi chùa Khmer cũng được công nhận “Cơ sở thờ tự - chùa văn hóa”, gần 50 khóm, ấp được công nhận “Khu dân cư tiên tiến” và “Ấp văn hóa”.

Vùng Bảy Núi có 3 trạm tiếp sóng phát thanh – truyền hình: Tức Dụp, Tà Pạ và Trà Sư. Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang đã có chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Khmer 2 buổi trong ngày. Tất cả xã, thị trấn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đều có trang bị loa truyền thanh, máy phát điện, truyền hình và radio cho các chùa Khmer. Công tác thông tin cổ động, tuyên truyền đều sử dụng 2 thứ tiếng Việt và Khmer

PHAN TRỌNG ÂN

Tin cùng chuyên mục