Vùng “chảo lửa” đồng khô cỏ cháy

Nắng nóng và hạn hán gay gắt, khốc liệt kéo dài suốt nhiều tháng nay đã khiến hàng loạt cánh đồng rộng lớn của người dân ở xã Hương Thủy (nơi được xem là "chảo lửa" ở địa bàn huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) phải bỏ hoang, cỏ cây khô héo, chết cháy.
Bà Hoàng Thị Hà chăn bò trên thửa ruộng bỏ hoang ở xã Hương Thủy
Bà Hoàng Thị Hà chăn bò trên thửa ruộng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Mới khoảng 8 giờ sáng ngày 9-7, có mặt tại xã Hương Thủy, PV SGGP đã ghi nhận cái nắng chói chang và cái nóng hầm hập phả vào người như thiêu đốt. Mặc dù là địa bàn nằm gần sông Ngàn Sâu nhưng những ngày này lòng sông cũng cạn nước, còn hàng loạt cánh đồng rộng lớn nơi đây đã phải bỏ hoang, vì vụ mùa hè thu này không thể đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu.

Lòng sông cạn trơ đáy

Lòng sông cạn trơ đáy

Trên lòng ruộng, các tuyến kênh mương, cầu cống nội đồng đều trong tình trạng khô trắng, nứt nẻ nham nhở; các bờ ruộng và mặt ruộng, đường giao thông..., nắng nóng cũng đã làm khô héo, chết cháy, xác xơ, trơ trọi cỏ dại và những gốc rạ còn sót lại sau thu hoạch vụ xuân vừa qua.

Nhiều diện tích được người dân địa phương cải tạo sản xuất cây đậu, cây vừng, cây bắp… với hy vọng sẽ cho ít thu hoạch vào cuối vụ nhưng do ảnh hưởng nắng nóng, hạn hán kéo dài cũng khiến cây phát triển èo uột, khô héo và đang phải đối mặt nguy cơ bị chết, cháy khô hàng loạt.

Ông Trần Văn Dũng bên cánh đồng bỏ hoang

Ông Trần Văn Dũng bên cánh đồng bỏ hoang

Chỉ tay xuống đồng ruộng bỏ hoang, ông Trần Văn Dũng (63 tuổi, trú thôn 8, xã Hương Thủy) cho biết, ở xã Hương Thủy từ lâu nay được xem là "chảo lửa", hầu như năm nào thời tiết nơi đây đều diễn ra nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ từ 38 đến trên 40 độ C, hạn hán khốc liệt, kéo dài và cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nhất về sản xuất, hoa màu ở huyện Hương Khê.

Mặc dù, cách đây gần nửa tháng trên địa bàn có một trận mưa khá lớn nhưng không đáng kể. Nắng nóng kinh khủng kéo dài và không có các nguồn nước tưới nên khiến hầu hết các cánh đồng, các tuyến kênh mương, cầu cống nội đồng đều đã bị khô nứt nẻ, bỏ hoang, xác xơ. Ngay cả các loại cỏ dại cũng bị chết, khô cháy hàng loạt, trâu bò gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn.

Ông Trần Văn Dũng bên kênh mương, cầu cống cạn khô đáy
Ông Trần Văn Dũng bên kênh mương, cầu cống cạn khô đáy

“Gia đình tôi có khoảng 1,3 mẫu ruộng nhưng vụ hè thu này do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, hạn hạn kéo dài, không đảm bảo được nguồn nước tưới nên buộc phải bỏ hoang. Gia đình có làm hơn 2 sào bắp và 10 thước đậu ngoài đồng nhưng cũng bị khô cháy, nguy cơ không có thu hoạch... Do không có nước tưới, hàng chục cây bưởi Phúc Trạch trồng lâu năm trong vườn nhà và trên 100 gốc cây bưởi của con trồng ở trang trại cũng đang bị khô héo, quả còi cọc, không phát triển. Ngoài ra, nguồn nước giếng khoan, giếng đào bị cạn kiệt khiến cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trần Văn Dũng chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Hà chăn bò trên ruộng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Bà Hoàng Thị Hà chăn bò trên ruộng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Tương tự, bà Hoàng Thị Hà (50 tuổi, ở xã Hương Thủy) đang đi chăn bò trên thửa ruộng bỏ hoang ở cánh đồng của xã cho biết, các vụ mùa trước, gia đình thường đảm bảo sản xuất khoảng 9-10 sào ruộng lúa và hơn 1 sào ruộng màu. Tuy nhiên, vụ mùa hè thu này do nắng nóng, hạn hán gay gắt, khốc liệt kéo dài khiến ruộng, cỏ dại khô cháy, không có nước tưới phải bỏ hoang nên rất lo lắng về nguồn lương thực cho 5 nhân khẩu của gia đình trong thời gian sắp tới.

Trao đổi với PV SGGP ông Ngô Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết, việc sản xuất lúa mùa và hoa màu các loại ở địa phương chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa nhưng do thời gian qua tình hình nắng nóng và hạn hán gay gắt, kéo dài, không có nguồn nước tưới nên vụ hè thu này toàn xã có hơn 100ha diện tích đất ruộng phải bỏ hoang.

Nhiều cánh đồng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Nhiều cánh đồng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Cũng theo ông Ngô Xuân Tân, mặc dù toàn xã gieo cấy khoảng 75ha lúa vụ hè thu nhưng đến nay đã có khoảng 20ha bị thiếu nước tưới, khô héo, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì số diện tích thiếu nước, đe dọa năng suất sẽ tăng; còn nguồn nước trong các hồ đập, sông, kênh mương đều bị khô cạn. Toàn xã có khoảng 5ha bắp hè thu nhưng cũng bị khô héo, chết; nhiều hecta vừng, đậu… phát triển kém, nguy cơ sản lượng thấp.

Ngoài ra, do nắng nóng, hạn hán kéo dài, không có nước tưới cũng khiến nhiều diện tích trồng cây bưởi của người dân bị khô héo, teo quả, nguy cơ chất lượng và năng suất kém, thu hoạch muộn hơn. Cùng với ảnh hưởng đến sản xuất, hiện nay trên địa bàn đã có rất nhiều giếng khoan, giếng đào bị cạn kiệt nguồn nước, gây ảnh hưởng khó khăn cho đời sống của người dân.

>> Một số hình ảnh nắng nóng gay gắt ở xã Hương Thủy

Ruộng bắp bị khô cháy ở xã Hương Thủy

Ruộng bắp bị khô cháy ở xã Hương Thủy

Ruộng đồng bỏ hoang

Ruộng đồng bỏ hoang

Đàn bò tìm nơi trú nắng trên cánh đồng

Đàn bò tìm nơi trú nắng trên cánh đồng

Cỏ dại khô cháy trên cánh đồng bỏ hoang

Cỏ dại khô cháy trên cánh đồng bỏ hoang

Đồng ruộng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Đồng ruộng bỏ hoang ở xã Hương Thủy

Chút nước bùn vàng khè cuối cùng còn sót lại tại cánh đồng xã Hương Thủy

Chút nước bùn vàng khè cuối cùng còn sót lại tại cánh đồng xã Hương Thủy

Tin cùng chuyên mục