Vùng muối mặn mà ngọt ngào lời ca

Nhiều năm qua, không riêng gì ấp đảo Thiềng Liềng, mà cả xã Thạnh An luôn giữ vững và ngày càng phát triển phong trào đờn ca tài tử, là nhờ chú Tư Huỳnh. Ông đã đứng ra thành lập CLB Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng và xã Thạnh An.
Nghệ nhân dân gian Tư Huỳnh Ảnh: ĐINH CÔNG NAM
Nghệ nhân dân gian Tư Huỳnh Ảnh: ĐINH CÔNG NAM
Chúng tôi đến ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) - nơi được mệnh danh là xứ muối của huyện Cần Giờ, vào một buổi trưa dìu dịu nắng, từng cơn gió biển dặt dìu, khua rừng đước xào xạc thiệt dễ chịu, không như cái không khí oi bức, hầm hập nóng trong thành phố. Bầu trời lãng đãng mây mát dịu, những diêm dân đang cần cù trên cánh đồng muối đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch.

Tiếng đàn lời ca mặn mà xứ muối
Phó Chủ tịch xã đảo Thạnh An Đặng Hoàng Sơn, người hướng dẫn chúng tôi ra thăm ấp đảo Thiềng Liềng khi nước biển đang cạn dần. Bước lên cầu tàu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, Thiềng Liềng hôm nay đẹp quá, nhà cửa khang trang, đường đi lót bê tông rộng thênh thang. Trong khung cảnh êm ái, thanh bình ở miền ấp đảo xa xôi, bỗng véo von những giọng hát ngọt ngào khiến lòng du khách chợt bồi hồi, xao xuyến. Bước chân lữ khách phương xa của chúng tôi men theo tiếng đàn, giọng hát để dừng lại trước ngôi nhà xây tường, bề thế khang trang, thuộc tổ 37, cạnh những bờ ruộng muối mênh mông. Ở đây có những nghệ sĩ đang say sưa thả hồn theo từng câu hò, điệu hát.
Hỏi thăm mới biết, đây là ngôi nhà của gia đình diêm dân Mười Kỳ, một người đàn ông ở lứa U.60, được bà con nơi đây gọi là “ông bầu” của CLB Đờn ca tài tử ấp đảo Thiềng Liềng. Thấy chúng tôi dừng lại trước sân nhà lắng nghe với vẻ thích thú, chủ nhà bước ra vui vẻ mời chúng tôi vào nhà cùng tham gia buổi sinh hoạt đờn ca tài tử đang hồi rôm rả. Tuy đã sáu mươi tuổi, mà ông Mười Kỳ thân thể cường tráng, vai u thịt bắp, nước da săn chắc đậm đà. Mười Kỳ đúng là “dân chơi” xứ… muối. Ông thường tổ chức những buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại nhà, lo mọi thứ, có tốn kém là bao, miễn giữ được phong trào đờn ca tài tử tại ấp nhà. Không để chúng tôi chờ lâu, Mười Kỳ giới thiệu tiếp giọng hát nữ trong trẻo, nồng nàn ca bài Giọt sữa cuối cùng của tác giả Trọng Nguyễn. Đó là giọng ca của nữ nghệ sĩ Như Bình - thành viên trong CLB. Từ lâu bà con ở ấp đảo Thiềng Liềng gọi Như Bình là nghệ sĩ, bởi vào mùa vụ muối cô là diêm dân, nhưng đến khi ruộng “nghỉ mưa” để chờ mùa vụ nắng thì cô theo CLB đờn ca tài tử do Nghệ nhân dân gian Tư Quỳnh làm chủ nhiệm, đi hội diễn, hội thi khắp nơi. Như Bình có giọng ca trời phú, mùi mẫn truyền cảm hiếm có trong nhóm nữ. Cô là giọng ca nòng cốt chẳng những của CLB Đờn ca tài tử xã Thạnh An, mà còn đại diện cho phong trào văn nghệ của huyện Cần Giờ mỗi khi “đem chuông đi đánh xứ người” trong những hội thi văn nghệ cấp tỉnh, thành...
Chúng tôi được mời nhập cuộc bằng những ly rượu thân tình, bên nồi canh cá rô phi nấu ngót nóng hổi vừa mới được gia đình Mười Kỳ vớt lên từ cái ao gần ruộng muối. Nhóm đờn ca tài tử trong buổi hội ngộ này có 6 người thì hết 4 là thành viên của gia đình Mười Kỳ, trong đó có thầy giáo Lê Văn Phụng, là anh em cột chèo với Mười Kỳ, là chồng của nghệ sĩ Như Bình. Khắp cả huyện Cần Giờ hầu như ai cũng nghe tiếng thầy Phụng bởi thâm niên bám trường, bám đảo suốt gần 24 năm qua. Rất nhiều thế hệ học trò ở nơi ấp đảo xa xôi nhất của TPHCM đã trưởng thành từ mái trường tiểu học Thiềng Liềng nơi thầy Phụng phụ trách.
Hỏi sao giữa trưa mà tinh thần văn nghệ lại bừng lên trong hương nồng vị muối vậy, Mười Kỳ cất tiếng cười sảng khoái: “Dân làm muối nhọc nhằn lắm, hễ rảnh lúc nào là tụ lại hát hò để thư giãn, cũng là cách nạp thêm “năng lượng” để lao động sản xuất”. Mười Kỳ có tên cúng cơm là Nguyễn Đức Kỳ, vốn là dân Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, ông ra xứ muối Thiềng Liềng làm diêm dân từ năm 1982, không biết có phải đất lành hay do cảm cái nét mặn mòi của cô gái xứ đảo - con ông chủ ruộng muối, mà thanh niên Mười Kỳ “mọc rễ” còn chắc hơn cả rễ... đước Cần Giờ! 
Người giữ lửa cho tiếng đờn ngân vang
Tại buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, Phó Chủ tịch xã Thạnh An Đặng Hoàng Sơn giới thiệu với chúng tôi Nghệ nhân dân gian Tư Huỳnh (Nguyễn Hồng Huỳnh) khi ông đang cầm trên tay cây ghi ta phím lõm, gảy những âm thanh réo rắc mượt mà. Phó Chủ tịch xã nói: “Nhiều năm qua, không riêng gì ấp đảo Thiềng Liềng, mà cả xã Thạnh An luôn giữ vững và ngày càng phát triển phong trào đờn ca tài tử, là nhờ chú Tư Huỳnh. Ông đã đứng ra thành lập CLB Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng và xã Thạnh An. Từ đó, chính CLB đã làm nòng cốt cho cả huyện Cần Giờ khi tham gia hội diễn với các địa phương khác. Chú Tư Huỳnh đã mang chuông đi đánh xứ người, từ nhiều tỉnh thành đến cả Hà Nội, gặt hái thành công tốt đẹp. Những nơi khác biết tới phong trào đờn ca tài tử của huyện Cần Giờ là nhờ chú Tư Huỳnh. Huyện Cần Giờ rất đỗi tự hào khi có chú Tư Huỳnh được phong là Nghệ nhân dân gian”.
Một giọng ca nam trầm ấm, ngọt ngào vừa xuống câu vọng cổ, tiếng vỗ tay vừa dứt, Phó Chủ tịch xã mỉm cười tâm đắc giới thiệu người vừa xuống câu vọng cổ “đó là anh Nguyễn Văn Yến, chẳng những có giọng hát hay mà còn là một trưởng ấp giỏi”. Rồi ra vẻ bí mật như sắp nói một điều thú vị, anh nói chú Tư Huỳnh là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng, mà còn là một đảng viên gương mẫu, được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp Thiềng Liềng”. 
Năm 16 tuổi, Tư Huỳnh đã biết đờn. Ông có tài sử dụng hai nhạc cụ là ghi ta phím lõm và đờn sến. Qua 50 năm, con tằm vẫn chưa nhả tơ, cái nghiệp cầm ca cứ đeo đuổi mãi bên ông và theo thời gian, ngón đờn của ông ngày càng điêu luyện. Những đêm khuya thanh vắng, tiếng đờn len qua những vạt rừng đước làm lay động lòng người dân nơi ấp đảo xa. Trong CLB nhiều người là học trò của ông. Ông Tư Huỳnh tâm sự: “Muốn duy trì phong trào đờn ca tài tử, thì công tác đào tạo thế hệ trẻ, những người kế thừa rất quan trọng”. Rồi ông tỏ ý hân hoan, có lẽ lớp trẻ ở Thiềng Liềng từ bao đời nay không có điện (mới có điện chừng hai năm nay thôi), nên ít tiếp xúc với những phương tiện giải trí hiện đại, đêm đêm quây quần bên cây đờn ghi ta, đờn sến… cùng đờn ca vọng cổ. Nhờ vậy mà bộ môn đờn ca tài tử đã thấm đẫm trong tâm tư tình cảm của họ. Đó cũng là yếu tố làm cho phong trào đờn ca tài tử ở ấp đảo Thiềng Liềng giữ nét hấp dẫn và ngày càng phát triển.
Chúng tôi ra về dưới cái nắng xế chiều, những cơn gió từ biển thổi vào khiến cái nóng như tan biến. Xa xa, trên cánh đồng muối, bà con vẫn đang làm lụng cần mẫn như quên cái nắng trên đầu. Chúng tôi chợt nhận ra nghệ sĩ Như Bình đang lom khom điều chỉnh chiếc máy bơm đưa nước vào ruộng muối. Thấy chúng tôi, cô vẫy tay chào tạm biệt: “Mới nghe cô hát trong kia mà thoáng ở ngoài này?”, tôi bày tỏ ngạc nhiên. Giọng Như Bình tươi rói: “Rảnh lúc nào vô nhà góp vui vài câu vọng cổ rồi chạy ra thăm chừng nước ruộng”… 

Tin cùng chuyên mục