Thoát thai từ một nền kinh tế thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam - kể từ khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền và tuyên ngôn độc lập (năm 1945) cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối (năm 1975) - vẫn chỉ là nước nông nghiệp lạc hậu. Nền kinh tế chưa có bộ xương cho một cơ thể phát triển có thể chịu đựng được phong ba bão táp của kinh tế thị trường; lại càng chưa thể sánh vai với những nước công nghiệp tiên tiến.
Trong bối cảnh ấy, với chủ trương cầu thị, Việt Nam luôn mong mỏi thu hút đầu tư của nước ngoài để phát triển nền kinh tế trên mọi lĩnh vực. Với đường lối đúng đắn và sự ủng hộ chí tình của bạn bè khắp năm châu, Việt Nam đã thu hút sự đầu tư của rất nhiều nước và tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới với giá trị hàng chục tỷ USD. Nhờ đó, kết hợp với nội lực phi thường, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và được các nước coi là một trong những “con rồng” của châu Á - khu vực phát triển “nóng” nhất thế giới.
Góp sức vào sự phát triển của chung nền kinh tế Việt Nam có hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn và nhỏ nhưng trong đó đáng kể nhất là một số tập đoàn kinh tế mạnh ở một số lĩnh vực then chốt mũi nhọn như dầu khí, cao su, khai thác khoáng sản, điện tử viễn thông…
Những tập đoàn kinh tế này tuy mới ra đời nhưng đã nhanh chóng “phủ sóng” toàn quốc, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, đồng thời từng bước vươn ra nước ngoài, đến với những thị trường giàu tiềm năng của thế giới như Nga, Venezuela, Campuchia, Lào...
Việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế Việt Nam không chỉ chứng tỏ xu thế tất yếu của kinh tế thế giới - xu thế toàn cầu hóa mà nó còn đánh dấu sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam, chứng tỏ uy tín ngày càng cao của các tập đoàn kinh tế Việt Nam vốn đã được khẳng định trên thương trường quốc tế trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, để việc đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả, ngày càng bay xa hơn, vươn cao hơn, các tập đoàn kinh tế Việt Nam cần củng cố thực lực của mình theo hướng mạnh và minh bạch về tài chính, tiên tiến về khoa học và công nghệ, chặt chẽ về quản trị kinh doanh.
Mặt khác, nếu như hiện nay mới chỉ có một số ngành có đủ năng lực và điều kiện đầu tư ra nước ngoài thì trong những năm tới phải phát triển ra nhiều ngành, nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp khác. Đồng thời phạm vi đầu tư ra nước ngoài cũng phải ngày càng mở rộng ra nhiều nước, vươn ra khỏi các thị trường truyền thống để đến với các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á…
Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước ta và các tổ chức kinh tế thế giới. Trong đó, nhà nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bằng những chủ trương chính sách đúng đắn mà còn là chiếc cầu nối hữu hiệu cho các doanh nghiệp đến những nơi xa nhất, những vùng khó nhất của thế giới.
Với xu thế tất yếu kết hợp nội lực, chắc chắn các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nước ta sẽ ngày càng vươn xa hơn và bay cao hơn trong việc đầu tư ra nước ngoài.
PHAN LỘC