Từ ngàn xưa, sự tích trầu cau và tục ăn trầu đã trở thành nét đẹp trong tập quán văn hóa của con người Việt Nam. Cùng với thời gian, trầu cau đã trở thành một biểu tượng văn hóa gắn liền với sự trân trọng về tình cảm nói chung về hạnh phúc nói riêng. Ngày nay, dù các thế hệ người Việt Nam đã sống trong hoàn cảnh xã hội mới, nhưng trầu cau vẫn có mặt trong đời sống và vẹn nguyên ý nghĩa tinh thần mà nó mang lại...
Lụa Tân Châu, trầu Long Sơn
Trong ký ức của những người hiểu biết về địa danh Long Sơn, luôn hiện lên hai loại cây đặc trưng, góp phần làm cho vùng đất này nổi tiếng, đó là trầu và nhãn. Theo thời gian, cây nhãn đã tàn lụi dần, không còn vết tích nào sót lại. Riêng cây trầu, cứ ngỡ cũng sẽ theo cây nhãn, nhưng không ngờ trầu lại có sức sống bền bỉ, âm thầm, mặc những biến động của xã hội, khi mà thị trường tiêu thụ thu hẹp dần và có lúc việc trồng trầu chỉ để người già trong gia đình sử dụng mà thôi. Bác Lâm Quang Hưng, năm nay 77 tuổi, cả đời gắn bó với cây trầu, kể cho tôi nghe: “Trầu Long Sơn có hơn trăm năm về trước, có nguồn gốc từ trầu Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM). Nhưng từ khi đem về đây trồng, trầu Bà Điểm đã trở thành trầu Long Sơn nổi tiếng không kém nơi đã nhân giống đem về. Nổi tiếng là nhờ trầu có màu vàng ruộm đẹp mắt và mùi vị đặc trưng mà nơi gốc gác không có. Bí quyết để có được lá trầu như vậy là nhờ lúc bấy giờ người dân đã bón phân tằm cho trầu. Long Sơn giáp ranh Tân Châu, một địa phương trồng dâu nuôi tằm, để lấy sợi dệt vải mà sản phẩm là lãnh Mỹ A lừng danh một thời, nên dân gian nơi đây vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ “lụa Tân Châu, trầu Long Sơn”.
Một vườn trầu ven sông Tiền
Đi vào ca dao, tục ngữ
Trồng trầu qua rất nhiều công đoạn, những vùng đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không để thiếu nước. Ngày xưa, trồng trầu cực nhất là khâu gánh nước tưới, nên những vườn trầu thường cách sông không xa, chỉ khoảng 200m trở lại. Đầu tiên, bà con cuốc đất lên rồi xới cho nhuyễn, lên luống và rải phân (ngày trước là phân tằm, bây giờ phân dơi, phân dê...) lên lớp đất vừa lên luống, rồi tưới nước và đóng cọc trầu xuống. Cọc trầu cao khoảng 5m, bằng cây tre hoặc cây tràm. Thời gian đầu, trầu mới trồng chưa bắt rễ kịp nên vào những ngày nắng phải lấy lá chuối khô làm giàn trên mấy cọc trầu, che cho dây trầu không bị héo. Vì trầu là loại “nắng không ưa, mưa không chịu” nên vào mùa nắng, bà con phải “đổ ngăn” hay gọi “khui cục”, thường là 4 gốc trầu vào một ngăn để giữ nước khi tưới. Còn vào ngày “mưa già” thì phải “lắp cục” khai mương thật sâu để thoát nước, cho nên có câu “trồng trầu thì phải khai mương...” là vậy. Mỗi năm, người trồng trầu chờ khi nước rút, lấy đất phù sa dưới sông lên phơi và xới nhuyễn ra, rồi đem đổ lên những luống trầu để đất đai không bị cằn cỗi và cũng chính vì thế, những vùng đất trồng trầu thường cao hơn những nơi đất trồng loại cây khác.
Ngày trước, trầu Long Sơn được tiêu thụ khắp nơi, từ các huyện trong tỉnh đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có khi lên tới TPHCM, cạnh tranh với trầu Bà Điểm. Thêm nữa là tiêu thụ tại chỗ rất mạnh, vì lúc đó, phần lớn phụ nữ còn ăn trầu. Ngày nay, về thăm lại vườn trầu là thăm lại cổ tục của ông bà xưa. Đó là tục ăn trầu, tương truyền có từ thời Vua Hùng dựng nước. Sự tích trầu cau đã trở thành câu chuyện truyền đời về quan niệm sống có nghĩa có tình, có người bảo hai chữ “tân lang” dùng chỉ chú rể trong đám cưới cũng từ hai nhân vật Tân - Lang của sự tích này mà ra. Ăn trầu là biểu hiện phong cách lễ nghĩa và tình cảm một cách độc đáo của người Việt Nam, bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Và trong ca dao, trầu cau còn như ẩn dụ tình cảm: Anh về cuốc đất trồng cau/Cho em vun ké dây trầu một bên/Chừng nào trầu nọ bén lên/Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.
Rồi một thời, “ăn trầu cắn chỉ” là một chuẩn mực về vẻ đẹp của các cô gái và cách têm trầu, kiểu ăn trầu cũng là tiêu chí để các bà mẹ chồng nhận xét tính nết và sự khéo léo của nàng dâu tương lai. Chưa nói, lá trầu còn được xem như dược liệu trị bệnh, từ tập quán dán đuôi trầu lên trán để trị chứng nấc của trẻ em, đến dùng lá trầu hơ nóng đắp cho cứng “mỏ ác” con nít mới sinh, đó là những bài thuốc dân gian rất hiệu nghiệm... Trầu cùng với cau đã trở thành sính lễ quan trọng trong các đám hỏi, đám cưới. Cho nên trầu vẫn tồn tại, dù bây giờ ít người ăn trầu, khiến có cảm giác trầu cau đã mai một trong cuộc sống hàng ngày, hay trầu cau đã trở thành “cổ tích” trong lớp trẻ hôm nay. Nhưng không, đến Long Hòa mới thấy sức sống bền bỉ của loại hàng hóa đặc biệt này, bởi trầu chẳng những tồn tại mà còn đem lại thu nhập cao cho người trồng.
Khuyến khích mở rộng diện tích
Năm 2003, xã Long Sơn tách ra và thành lập thêm xã Long Hòa gồm 3 ấp: Long Hòa 1, Long Hòa 2 và Long Thạnh 2, những vườn trầu còn lại của Long Sơn ngày xưa, nay nằm ở xã Long Hòa. Tôi ghé thăm vườn trầu của anh Nguyễn Phú Trung ở ấp Long Hòa 2, vừa đi ra phía sau nhà đã thấy choáng ngợp bởi những cọc trầu cao vút đầy 2 công đất, với những dây trầu bỏ vòi leo ngút mắt trong ánh nắng mai rực rỡ, đẹp vô cùng. Anh Trung cho biết, vườn trầu nhà anh cứ khoảng 15 ngày thu hoạch một lần. Nếu trầu tươi tốt, mỗi công có thể hái được một “muôn” lá trầu, một “muôn” lá trầu bán được hơn 2 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được 1,3 triệu đồng. Như vậy cứ nửa tháng, với 2 công trầu trong vườn nhà, gia đình anh Trung thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng, số tiền tương đối cao so với trồng các loại cây màu khác.
Theo chị Thái Bảo Liễu, chủ một vườn trầu: “Trầu tiêu thụ chủ yếu ở vùng Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn... ở An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp; đặc biệt là đồng bào Khmer vẫn còn giữ tục ăn trầu nên tiêu thụ mạnh lắm, có khi xuất cả sang Campuchia”. Có thể thấy cây trầu đã đem lại niềm vui cho người dân nơi đây; đi quanh xóm, ở đâu cũng thấy bà con tất bật chăm sóc hoặc thu hoạch trầu. Những hộ gia đình trồng trầu chủ yếu tận dụng lao động trong gia đình, cũng có một số hộ trồng nhiều quá, hái không xuể, phải thuê nhân công nên giải quyết được việc làm cho một số lao động nhàn rỗi trong xóm, đặc biệt là trẻ em và người già. Hái trầu là công đoạn thu hoạch đầu tiên, thường do đàn ông, thanh niên làm. Trẻ em thì học một buổi, một buổi về xách giỏ đi lượm trầu và xếp các “ốp” trầu để chờ thương lái đến mua. Còn phụ nữ hoặc người già ở nhà xếp trầu thành “ốp” (theo cách tính ở đây thì một chục trầu gồm 20 lá trầu, một “ốp” là 12 chục trầu). Tiền công của người đi lượm trầu bằng nửa tiền công của người xếp trầu, tiền công của người xếp trầu khoảng nửa tiền công của người hái.
Theo Chủ tịch UBND xã Long Hòa Trần Tấn Lợi, toàn xã có 18 vườn trầu với diện tích khoảng 3ha, nằm rải rác ở các ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2. Những năm gần đây, đầu ra và giá cả thị trường của trầu luôn ổn định nên cuộc sống của người trồng trầu được cải thiện đáng kể. Trừ các khoản chi phí, tính ra thu nhập từ cây trầu cao gấp 3 lần cây lúa. Ngoài ra, còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Chính quyền ở đây đang vận động người dân cải tạo vườn tạp, đất bỏ hoang hoặc đất đang trồng cây màu nhưng thu nhập không cao, chuyển sang trồng trầu. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật trồng trầu cho bà con và kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho người dân vay vốn để đầu tư trồng trầu, nhằm bảo tồn một loại cây nổi tiếng của địa phương và giúp đời sống người dân được nâng lên...
| |
TRẦN SANG