Vướng Nghị định 19 về kinh doanh khí: Nhiều doanh nghiệp “ngồi trên lửa”

Sở Công thương TPHCM vừa có văn bản gửi trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn yêu cầu ngưng hoạt động vì chưa đáp ứng yêu cầu theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. 
Đưa gas vào một cửa hàng cung ứng cho người dân. Ảnh:Cao Thăng
Đưa gas vào một cửa hàng cung ứng cho người dân. Ảnh:Cao Thăng

Đón nhận thông tin này, nhiều doanh nghiệp như đang ngồi trên lửa vì buộc phải ngưng hoạt động, đứng trước bờ vực phá sản; diễn biến thị trường có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và rối loạn.

Lo ngại phá sản

Cụ thể, ngày 15-5, Công ty TNHH TM-DV Du lịch Xuân Nam đã nhận được văn bản số 328/SCT-KTATMT của Sở Công thương TPHCM về việc chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai. Văn bản nêu rõ: “Trong thời gian chưa được cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai, đề nghị DN không hoạt động nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai tại địa chỉ trên (công ty - PV)”.

“Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động đúng pháp luật trong lĩnh vực này qua hàng chục năm với vốn đầu tư cả trăm tỷ đồng, có hàng chục công nhân lao động và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ. Bây giờ, chỉ vì một nghị định ban hành quá khắt khe, không phù hợp thực tế mà buộc chúng tôi phải ngưng hoạt động thì quá bất công. Chẳng khác nào đẩy DN chúng tôi vào con đường phá sản. Đi ngược lại với tinh thần Chính phủ kiến tạo…”, ông Lê Đình Nho, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Du lịch Xuân Nam buồn bã nói.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH TM DV Gas Thanh Bình cho biết, DN hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực sang chiết gas (loại bình 12kg và 45kg) có diện tích toàn trạm nạp hơn 8.000m² với sức chứa 60 tấn LPG và có kế hoạch tăng lên 90 tấn; công suất chiết nạp 30 tấn/ngày và có trên 60 lao động; vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Hiện DN đang cùng chung số phận như Công ty Xuân Nam và hàng trăm DN chiết nạp gas khác trên cả nước chỉ vì Nghị định 19 có nhiều điều kiện rất ngặt nghèo về bồn chứa và vỏ bình. Theo đó, các DN nhỏ và vừa cần phải có bồn chứa 300m³ và ít nhất là 50.000 vỏ bình. Đây là những điều kiện phi thị trường khiến các DN phải tốn cả trăm tỷ đồng cho việc thuê đất, xây dựng kho bãi để chứa số vỏ bình như đã nêu trên.

“Sau hai năm nghị định ban hành, do điều kiện tài chính quá lớn không thể đầu tư tiếp tục để trở thành thương nhân đầu mối theo Nghị định 19, chúng tôi đã liên hệ, tìm kiếm các thương nhân đầu mối hiện tại để liên kết, sáp nhập nhưng cũng không có đơn vị nào chấp nhận vì theo pháp luật chuyện liên kết, sáp nhập là hết sức phức tạp do liên quan đến tài sản của DN. Nếu phải dừng hoạt động, bên cạnh phải mất hàng tỷ đồng đã đầu tư thì chúng tôi còn phải dừng phân phối tại khu vực TPHCM  với 50 đại lý LPG… Thiệt hại này là vô cùng lớn, có thể đưa DN vào con đường phá sản”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM DV Gas Thanh Bình nêu vấn đề.

Vướng Nghị định 19 về kinh doanh khí: Nhiều doanh nghiệp “ngồi trên lửa” ảnh 1 Đưa gas vào một cửa hàng cung ứng cho người dân. Ảnh: Cao Thăng
Kiến nghị cho tiếp tục hoạt động

Nhiều DN kinh doanh gas còn cho biết, từ hai năm nay đã phải bán tài sản, cơ sở kinh doanh của mình vì không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo Nghị định 19. Nếu cứ theo điều kiện về quy mô như trong Nghị định 19, sẽ có thêm hàng trăm DN kinh doanh gas tiếp tục phải đóng cửa, phá sản. Chưa kể, xuất hiện tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”… Từ đó, tạo ra sân chơi không bình đẳng giữa các DN. Về lâu dài, thị trường gas sẽ bị thâu tóm vào tay một vài “ông lớn” khiến thị trường kém tính cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, khi Nghị định 19 vừa ra đời đã có nhiều ý kiến cho rằng có bất cập trong quy định về vỏ bình, bồn chứa. Nhận thức rõ những bất cập trong Nghị định 19, Bộ Công thương sau đó đã ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT cho cắt giảm 76 điều kiện liên quan đến kinh doanh khí, trong đó có những điểm cản trở DN hoạt động như nêu trên.

Song song đó, Bộ Công thương cũng xây dựng dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016 và đang trình Chính phủ xem xét. Bộ Công thương cho biết, tờ trình dự thảo này đã được 26/26 phiếu thành viên Chính phủ đồng ý thông qua.

Đáng chú ý, tại dự thảo này, Bộ Công thương nhận định các điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa khí hóa lỏng (LPG); điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối... đang là những rào cản cho sự phát triển của DN.

“Trong thời gian chờ đợi nghị định mới ban hành, chúng tôi đề nghị Sở Công thương TPHCM có biện pháp chỉ đạo theo hướng cho các trạm nạp LGP tiếp tục hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các DN kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng phát triển thuận lợi”, đại diện các DN kinh doanh gas nêu kiến nghị.

Theo các DN kinh doanh gas, trong dự thảo thay thế Nghị định 19, những điều kiện về số lượng vỏ bình, quy mô bồn chứa đã được bãi bỏ. Do đó, việc để DN tiếp tục hoạt động trong khi chờ nghị định mới ban hành vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của DN vừa ổn định thị trường gas.

“Bởi chỉ riêng khu vực TPHCM, nếu đồng loạt buộc các DN sang chiết phải dừng hoạt động theo Nghị định 19, lượng gas thiếu hụt có thể lên đến 50%. Lúc này, lượng gas thiếu hụt sẽ được các đối tượng sản xuất gas giả, nhái xâm nhập vào các đại lý khiến thị trường trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát”, đại diện một thương nhân đầu mối lo lắng nêu vấn đề.

Tin cùng chuyên mục